Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

4.0 và cơ hội hóa rồng

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định rõ DN công nghệ sẽ là một trong những cơ sở để giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình cũng như là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các DN từ nhiều lĩnh vực.

Do đó Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phải có được 100.000 DN công nghệ vào năm 2030 nhằm đưa Việt Nam lọt vào top các cường quốc công nghệ thông tin. Mục tiêu này nếu quyết tâm đạt được sẽ góp phần đưa kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Để cụ thể hóa đồng thời tìm ra hướng đi thích hợp trong việc thực hiện mục tiêu trên, lần đầu tiên Bộ TT&TT đứng ra tổ chức Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ Việt Nam. Tại đây, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo bộ ngành, các DN công nghệ có thể đưa ra những kiến nghị để xây dựng thể chế, chính sách đột phá nhằm ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi sức mạnh từ xã hội để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Có thể nói sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ tại diễn đàn khẳng định cam kết mạnh mẽ trong thúc đẩy sự phát triển DN công nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong các lĩnh vực: Nghiên cứu phát triển, sản xuất phần cứng điện tử, phần mềm, nội dung số; khởi nghiệp công nghệ; đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ… nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thời đại kinh tế số.
Diễn đàn cũng là cơ hội để Chính phủ cùng DN ngồi lại với nhau nhằm hiện thực khóa khẩu hiệu "Make in Vietnam" (Làm tại Việt Nam) giúp DN trong nước làm chủ toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ để không chỉ sử dụng cho thị trường nội địa mà còn đưa ra thị trường thế giới.
Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít các DN công nghệ của Việt Nam có tiền vốn, có nhân sự chất lượng vì thế nếu được tạo điều kiện từ phía Chính phủ cũng như cơ hội kinh doanh, họ sẵn sàng cùng nhập cuộc. Việc kinh doanh có thể lãi hoặc lỗ, nhưng khi có sự hỗ trợ đầy đủ về mặt chính sách, chắc chắn sẽ có nhiều DN cùng đổ công, đổ sức để làm.
Thực tế, nếu nhìn sang các quốc gia rất mạnh về CNTT trên thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ… có thể thấy rất nhiều điểm tương đồng mà Việt Nam có thể học hỏi. Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, cơ hội hóa rồng của Việt Nam đang đến với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT, lĩnh vực mà người Việt có nhiều tiềm năng.
Vì vậy, ứng dụng và phát triển công nghệ nhằm xây dựng cộng đồng DN công nghệ với số lượng lên tới con số 100.000 sẽ là một trong những giải pháp đột phá để đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.