Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

4 bài học, 3 cơ chế giúp doanh nghiệp phát triển trong đại dịch Covid-19

Khanh Đỗ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ''Doanh nghiệp phát triển là quốc gia phát triển, doanh nghiệp giàu mạnh là quốc gia giàu mạnh'' - đó là nhận định của ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về vai trò và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam dần khôi phục hoạt động sản xuất khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp. Ảnh: Thanh Hải
Tại giao lưu trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp Việt trách nhiệm và bản lĩnh vượt đại dịch” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp chia sẻ, là người từng tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông nhận định Covid-19 gần như 1 cuộc thực nghiệm rất ác liệt và đòi hỏi tính sáng tạo. Ông lý giải, cuộc chiến chống Mỹ có tính quy luật, có thể tiếp cận từ xa và chuẩn bị để chiến đấu. Thế nhưng cuộc chiến đấu Covid-19 hoàn toàn không có quy luật.
Từ đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra những bài học trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Trong đó, bài học đầu tiên là vai trò của chính quyền cơ sở. Xã phường là nền tảng chính trị quốc gia. Ông nhấn mạnh: "Xã yếu thì tỉnh yếu, trung ương yếu. Chúng ta nghĩ cấp trên khó làm hơn cấp dưới nhưng tôi cho rằng cấp nào gần dân nhất là khó làm"
Bài học thứ 2 chính là vai trò của quân đội nhân dân, công an nhân dân. Bài học thứ 3 là vai trò của doanh nghiệp. Đây là đội ngũ rất quan trọng nếu muốn cho đất nước phát triển. Bài học thứ 4 chính là xây dựng niềm tin.
“Chúng ta cần tìm ra những khó khăn nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đặc biệt đối với khu vực miền Nam, doanh nghiệp muốn mở lại sản xuất trong điều kiện người lao động bỏ về quê hương, nên cần củng cố nguồn lực này”, nguyên Bộ trưởng lưu ý.
Trong bối cảnh dịch bệnh, các tổ chức, cá nhân và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đã đề xuất những giải pháp bao gồm chính sách vốn, thuế, kích cầu. Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhận định chúng ta cần nghiên cứu gói kích cầu đủ mạnh, vừa cho doanh nghiệp, vừa cho lao động và vốn liếng. 
Đồng thời, ông Lê Doãn Hợp cho rằng, để xử lý các vấn đề đó, cần điều chỉnh 3 cơ chế: Từ cơ chế quản lý sang cơ chế làm việc, từ quản lý trách nhiệm sang khắc phục trách nhiệm, cái gì nhà nước không cấm thì mở ra cho doanh nghiệp làm mà không phải cơ chế xin-cho. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động một cách rõ ràng, minh bạch trong quản lý là cách hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp.
Nhận định về các ngành phát triển mạnh sau đại dịch, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá: Liên quan đến sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, công nghệ - thông tin là những ngành thuận lợi. Có những ngành khó khăn như dân dụng, du lịch, bất động sản và nông nghiệp.