Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

4 biện pháp tháo “nút thắt” giải phóng mặt bằng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lâu nay, điểm "nghẽn" làm chậm tiến độ triển khai các dự án liên quan đến thu hồi đất, trong đó có cả những dự án trọng điểm, quan trọng chính là công tác GPMB. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do bất cập về cơ chế chính sách trong lĩnh vực này.

Để thể chế hóa khoản 2, Điều 15 Luật Thủ đô, Ban GPMB TP đã xây dựng dự thảo Đề án về các biện pháp đảm bảo việc thu hồi đất, GPMB thực hiện các dự án đầu tư quan trọng để trình HĐND TP  thông qua và ban hành Nghị quyết tại kỳ họp tới.

4 biện pháp tháo “nút thắt” giải phóng mặt bằng - Ảnh 1
 
Giải phóng mặt bằng đường Vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) đang được triển khai. Ảnh: Thanh Hải
 
 
Theo quy định hiện nay, công tác thu hồi đất, GPMB được triển khai theo các bước: Ra Thông báo thu hồi đất để chủ sử dụng đất (SDĐ) biết và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành các bước lập phương án bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất… Tuy nhiên, trường hợp chủ SDĐ chưa đồng tình, bất hợp tác thì công việc GPMB đến đây bị "nghẽn" lại, bởi "thông báo thu hồi đất" không đủ căn cứ pháp lý để tiến hành điều tra, xây dựng phương án đền bù hỗ trợ…, đặc biệt trường hợp chủ SDĐ cố tình vắng mặt, bất hợp tác. Để tháo gỡ vấn đề này, Đề án đưa ra 4 nhóm biện pháp cơ bản. Thứ nhất, đối với các dự án đầu tư quan trọng, UBND TP sẽ ra quyết định thu hồi đất, thay cho thông báo thu hồi đất. Nghĩa là, đối với các dự án đầu tư được HĐND TP phê duyệt quyết định, thì UBND TP ban hành quyết định, bao gồm chủ trương, biện pháp thu hồi đất, GPMB để thực hiện dự án với những nội dung cụ thể, như phạm vi mốc giới thu hồi đất, GPMB, tiến độ thực hiện…; Đồng thời giao nhiệm vụ cho UBND quận, huyện, thị xã tiến hành các bước thực hiện công tác GPMB theo quy định. Đây là giải pháp "2 trong 1", rút ngắn thời gian nhưng vẫn thể hiện đầy đủ những quy định trong công tác GPMB, khắc phục tình trạng chủ SDĐ thiếu tinh thần hợp tác, bảo đảm tiến độ thời gian triển khai dự án mà không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của chủ SDĐ. 

Thứ hai, UBND TP xem xét, quyết định phân kỳ thu hồi đất, giao đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB đối với dự án đầu tư có quy mô diện tích đất thu hồi lớn (hoặc trải dài trên nhiều địa bàn), phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực thực hiện của chủ đầu tư. Khi phân kỳ, chính sách áp dụng được thống nhất cho toàn bộ dự án về giá bồi thường tại thời điểm thực hiện dự án phân kỳ, tránh tình trạng cùng một thửa đất (nằm trên hai quận, huyện) giá đền bù khác nhau.

Thứ ba, đối với các trường hợp chủ SDĐ đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục GPMB thì cho phép UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án, tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư và nhận giao đất (không chờ quyết định thu hồi, giao đất của UBND TP). Đây là giải pháp có tính phân cấp mạnh cho cấp huyện để thực hiện công tác GPMB. Trong đó, trường hợp chủ SDĐ không nhận tiền đền bù theo phương án được phê duyệt thì chủ đầu tư gửi tiền bồi thường, hỗ trợ này vào Kho bạc Nhà nước và UBND cấp huyện tiến hành thu hồi đất, GPMB theo thẩm quyền và tiến độ dự án.Thứ tư, tăng cường cải cách hành chính trong thực hiện quy trình, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quy định các áp dụng biện pháp hành chính để thực hiện điều tra bắt buộc trong trường hợp chủ SDĐ thiếu hợp tác… Quy định thời điểm UBND cấp huyện phải ban hành các quyết định cần thiết cưỡng chế việc thu hồi đất, để đáp ứng tiến độ triển khai dự án  theo kế hoạch… Ngoài ra, yêu cầu chủ đầu tư, chịu trách nhiệm nộp đủ số tiền nhà, đất cho cơ  quan quản lý quỹ nhà, tái định cư và làm đầy đủ các thủ tục để người dân khi đến nơi ở mới được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc sở hữu nhà ở.