Sau sáp nhập, Khánh Hòa tăng bật chỉ số kinh tế, đẩy mạnh phát triển đô thị
Kinhtedothi – Sau khi chính thức sáp nhập tỉnh Ninh Thuận vào tỉnh Khánh Hòa từ 1/7/2025, “Khánh Hòa mới” đã ghi nhận nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội khởi sắc ngay trong 6 tháng đầu năm.
Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2025 (gộp giữa hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) đạt hơn 46.435 tỷ đồng, tăng 7,33% so với cùng kỳ. Mức tăng này được đánh giá là tương đối cao trong bối cảnh sắp xếp bộ máy chính quyền 2 cấp, mở rộng địa giới hành chính và điều phối nguồn lực đầu tư.

Tỉnh Khánh Hòa mới ghi nhận nhiều chỉ số kinh tế - xã hội tăng bật.
Cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển tích cực sau sáp nhập. Cụ thể, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng mạnh 7,64%, trong đó xây dựng bứt phá tới 16,29% phản ánh đà phát triển đô thị, hạ tầng và các dự án bất động sản quy mô lớn đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Khu vực dịch vụ tăng 8,34%, cho thấy nhu cầu tiêu dùng, thương mại, du lịch tiếp tục giữ vai trò động lực chính. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 95.889 tỷ đồng, tăng 14,7%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.261,7 triệu USD, tăng 14,9%, cho thấy tiềm năng giao thương biển – cảng vẫn duy trì sức bật ổn định.
Điểm đáng chú ý, sau sáp nhập, Khánh Hòa mới đã đón thêm loạt dự án động lực, trải đều từ công nghiệp, năng lượng đến đô thị, du lịch. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút 61 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký khoảng 388,9 nghìn tỷ đồng. Nhiều công trình quy mô lớn góp phần hình thành các cực tăng trưởng mới như Khu công nghiệp Cà Ná (3.875 tỷ đồng), Nhà máy LNG Cà Ná (56 nghìn tỷ đồng), Khu đô thị Cam Lâm (283.300 tỷ đồng) hay các khu phức hợp Mũi Cỏ – Bãi Rạn, Vũng Ngán, Đầm Môn...
Về đầu tư công, Khánh Hòa mới đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng vốn giải ngân đạt hơn 5.297 tỷ đồng, bằng 41,32% kế hoạch, cao hơn bình quân cả nước (32,06%). UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành chỉ đạo cụ thể, yêu cầu các đơn vị bám sát tiến độ giải phóng mặt bằng, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để hoàn thành các công trình trọng điểm đúng thời gian.
Khánh Hòa tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, các dự án hạ tầng giao thông ven biển, khu công nghiệp mới và các khu đô thị vệ tinh sẽ tiếp tục được tháo gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng, giải ngân, tạo việc làm và lan tỏa tăng trưởng.
Việc sáp nhập Ninh Thuận vào Khánh Hòa không chỉ mở rộng diện tích và dân số, mà còn tái cấu trúc quỹ đất ven biển, hình thành Khánh Hòa mới với không gian phát triển liên kết các vịnh biển, đảo, khu công nghiệp ven biển và đô thị du lịch. Đây sẽ là đòn bẩy để thu hút các tập đoàn lớn, đẩy nhanh tiến độ các dự án quy hoạch đã có từ trước.
Từ đó, ngành xây dựng được dự báo tiếp tục duy trì mức tăng hai chữ số trong những quý tới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GRDP toàn tỉnh. Đồng thời, cơ cấu thu ngân sách có nhiều điểm sáng, trong 6 tháng đã đạt 15.390 tỷ đồng, bằng 52% dự toán cả năm.
Với các chỉ tiêu kinh tế đang “bật lên” mạnh mẽ ngay trong 6 tháng đầu năm, Khánh Hòa mới được kỳ vọng sẽ giữ vai trò cực tăng trưởng năng động của Nam Trung Bộ, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững vùng duyên hải trong giai đoạn 2025–2030.

Hoạt động chính quyền địa phương 2 cấp tại Khánh Hòa: khởi đầu nhiều kỳ vọng
Kinhtedothi - Sau sáp nhập, Khánh Hòa chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã). Đây được xem là bước đi quan trọng để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý, mang lại tiện ích trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp.

Tháp Bà Ponagar và trầm hương: đòn bẩy di sản cho kinh tế - du lịch Khánh Hòa
Kinhtedothi - Việc Tháp Bà Ponagar chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt cùng Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo mà còn mở ra cơ hội lớn để Khánh Hòa khai thác hiệu quả các giá trị di sản như một đòn bẩy phát triển kinh tế - du lịch bền vững.

Bất động sản Khánh Hòa bật tăng sau sáp nhập, cẩn trọng "bong bóng" giá đất
Kinhtedothi - Sau khi chính thức sáp nhập Ninh Thuận vào Khánh Hòa, thị trường bất động sản (BĐS) Khánh Hòa mới nhanh chóng trở thành một trong những điểm sáng thu hút nhà đầu tư tại Nam Trung Bộ nhờ quỹ đất ven biển mở rộng và hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, giá đất một số khu vực liên tục lập đỉnh so với thu nhập của người dân.