4 luật, 8 nghị định có hiệu lực từ 1/1/2023

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/1/2023, 4 luật gồm Luật Kinh doanh Bảo hiểm; Luật Cảnh sát Cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Điện ảnh và 8 nghị định có hiệu lực.

4 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2023

Từ ngày 1/1/2023, 4 luật có hiệu lực gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Điện ảnh.

Luật Kinh doanh bảo hiểm

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được thông qua ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đưa ra các quy định tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường sự chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm.

Theo đó: Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn tối đa 100% vốn điều lệ Cắt giảm thủ tục hành chính; tăng tính bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm; Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm; Bổ sung quy định về an toàn tài chính

Luật Cảnh sát cơ động

Luật Cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm mới về tổ chức lực lượng cảnh sát cơ động, như bổ sung lực lượng kỵ binh, trung đoàn không quân Công an nhân dân… Luật cũng bổ sung một số thẩm quyền cho lực lượng Cảnh sát cơ động như được phép ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các thiết bị bay siêu nhẹ, được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách.

Đáng chú ý, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và tự nguyện phục vụ trong Cảnh sát cơ động; có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động.

Luật Sở hữu Trí tuệ

Nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào các nhóm chính sách lớn, bao gồm:

Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao Quyền tác giả (QTG), Quyền liên quan đến quyền tác giả (QLQ).

Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước.

Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký QTG, QLQ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

Luật Điện ảnh

Luật Điện ảnh có các điểm mới cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn:

Luật quy định rõ đối tượng chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thời quy định thêm về các yêu cầu, điều kiện cần bảo đảm khi phổ biến phim trên không gian mạng như đáp ứng điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ, thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng.

Thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi, cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiến nhận, xử lý các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ.

8 nghị định mới với nhiều nội dung nổi bật

8 nghị định mới với những nội dung nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà người dân nên biết, như: các phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân khi không còn sổ hộ khẩu giấy; tiêu chí nhập khẩu mới đối với các thiết bị in; thay đổi cơ cấu tổ chức 4 cơ quan nhà nước.

Trong các nghị định trên, có Nghị định 71/2022/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Cụ thể, nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền được tổ chức thành các gói dịch vụ và dịch vụ.

Nghị định 72/2022/NĐ-CP về Tiêu chí nhập khẩu đối với các thiết bị in áp dụng từ ngày 1/1/2023. Nghị định 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố có hiệu lực ngày 1/1/2023.

Đối với các nghị định về thay đổi cơ cấu của 4 cơ quan nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2023, Bộ Tư pháp sẽ chỉ còn 25 đơn vị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm 1 đơn vị. Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam áp dụng cơ cấu tổ chức mới từ ngày 1/1/2023.

Đối với phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân mà người dân cần biết: Ngày 21/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Trong đó, quy định 4 phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân khi không còn sổ hộ khẩu giấy bao gồm:

Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;

Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;

Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp…