Thống nhất thẩm quyền xét xử và giám đốc thẩm theo luật mới
Kinhtedothi - Tòa án Nhân dân Tối cao vừa ban hành Công văn số 253/TANDTC-PC ngày 9/7/2025 nhằm quán triệt thực hiện các quy định mới của luật, nghị quyết, pháp lệnh được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Một trong những nội dung trọng tâm được nhấn mạnh là việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2025 liên quan đến thẩm quyền xét xử, giám đốc thẩm, tái thẩm của hệ thống tòa án 3 cấp.
Thống nhất và phân định rõ thẩm quyền theo cấp tòa
Trong lần sửa đổi này, hệ thống tòa án được phân định rõ ràng chức năng xét xử và kiểm tra bản án theo hướng đồng bộ, chuyên sâu hơn. Cụ thể, thẩm quyền của TAND khu vực, TAND cấp tỉnh và TAND Tối cao được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.
TAND khu vực: trụ cột xét xử sơ thẩm

TAND khu vực 1 - Đà Nẵng.
TAND khu vực tiếp tục đóng vai trò là nơi giải quyết sơ thẩm toàn diện các tranh chấp và yêu cầu thuộc các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh - thương mại và lao động. Tuy nhiên, các yêu cầu liên quan đến việc hủy hoặc đăng ký phán quyết trọng tài sẽ do TAND TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh giải quyết theo thẩm quyền chuyên biệt.
Đặc biệt, 2 tòa sở hữu trí tuệ đặt tại TAND khu vực 2 (Hà Nội) và TAND khu vực 1 (TP Hồ Chí Minh) được giao nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các vụ việc về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ - lĩnh vực ngày càng có nhiều tranh chấp phức tạp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Một điểm mới đáng chú ý là Chánh án TAND khu vực có quyền kiến nghị Chánh án TAND cấp tỉnh hoặc TAND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện vi phạm hoặc có căn cứ pháp lý rõ ràng.
TAND cấp tỉnh: nâng cao vai trò giám sát và điều phối

TAND TP Đà Nẵng.
TAND cấp tỉnh giữ vai trò trọng yếu trong hệ thống tòa án trung gian, thực hiện xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
Bên cạnh đó, TAND cấp tỉnh còn đảm nhận giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực khi có kháng nghị. Cơ quan này cũng có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu hủy, đăng ký phán quyết trọng tài, đặc biệt là các vụ việc được thụ lý bởi các Tòa kinh tế tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Đối với các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, Tòa kinh tế TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng được giao thẩm quyền xét xử phúc thẩm khi các bản án, quyết định từ TAND khu vực chưa có hiệu lực bị kháng cáo, kháng nghị.
Một điểm chuyển tiếp quan trọng là các TAND cấp tỉnh vẫn tiếp tục giải quyết các tranh chấp trọng tài nếu các bên đã thỏa thuận lựa chọn theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại trước ngày 1/7/2025.
Về hình thức, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh sẽ tiến hành giám đốc thẩm, tái thẩm bằng hội đồng xét xử gồm toàn thể Ủy ban Thẩm phán. Phiên họp chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 thành viên tham gia và quyết định được thông qua khi có quá nửa số thành viên đồng ý.
Ngoài ra, Chánh án TAND cấp tỉnh được trao thêm các thẩm quyền như: kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa các TAND khu vực cùng tỉnh; thay đổi Chánh án TAND khu vực trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nếu cần thiết.
TAND Tối cao: trụ cột đảm bảo sự thống nhất và công minh pháp lý

TAND Tối cao.
Với chức năng kiểm tra và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, TAND Tối cao được bổ sung một số thẩm quyền mang tính bao quát. Cụ thể, TAND Tối cao có quyền giám đốc thẩm, tái thẩm toàn bộ vụ án nếu bản án hoặc quyết định của cùng một vụ án vừa thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của TAND cấp tỉnh vừa thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao.
Tòa án này cũng có thẩm quyền tái thẩm đối với quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, nếu bị kháng nghị.
Về hình thức xét xử, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có thể được tổ chức theo hai mức:
Hội đồng 5 thẩm phán, hoạt động khi có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án của TAND cấp tỉnh. Quyết định chỉ có hiệu lực khi tất cả thành viên đều đồng ý. Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, hoặc hội đồng 5 thẩm phán không đạt được thống nhất, toàn thể Hội đồng thẩm phán sẽ xét xử. Phiên này yêu cầu ít nhất 2/3 số thành viên tham gia và quyết định được thông qua khi có quá nửa số thành viên tán thành.

Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng.
Thẩm quyền toàn diện của Chánh án TAND Tối cao
Trong cơ chế kiểm tra và điều phối toàn hệ thống, Chánh án TAND Tối cao có quyền: kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh và tòa án khác (trừ quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao); quyết định tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án bị kháng nghị; giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa các TAND khu vực khác tỉnh hoặc giữa các TAND cấp tỉnh; thay đổi Chánh án TAND cấp tỉnh nếu cần thiết trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
Những quy định mới về thẩm quyền xét xử, giám đốc thẩm và tái thẩm không chỉ làm rõ chức năng của từng cấp tòa, mà còn góp phần xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiệu quả và thống nhất. Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, đảm bảo nguyên tắc xét xử công khai, minh bạch, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Ông Nguyễn Chí Công giữ chức Chánh án TAND TP Đà Nẵng
Kinhtedothi - TAND Tối cao vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Công - Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng - giữ chức Chánh án TAND TP Đà Nẵng sau sáp nhập, kể từ ngày 1/7/2025.

ĐB Quốc hội: nên giữ quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND trong Hiến pháp
Kinhtedothi- Sáng 14/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự không đồng tình với việc bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có thêm Phó Chánh án mới
Kinhtedothi - Ngày 14/2, Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng theo quyết định của TAND Tối cao.