Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

4 ngoại trưởng châu Âu thăm Bắc Kinh giữa căng thẳng EU - Trung Quốc

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Serbia, Ireland, Ba Lan, Hungary và Serbia đã nhận lời mời thăm Trung Quốc từ ngày 29/5 trong bối cảnh Nghị viện châu Âu vừa tạm “treo” Hiệp định toàn diện về đầu tư giữa EU và Trung Quốc.

Ngày 28/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Bộ trưởng Ngoại giao Serbia và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Ireland, Ba Lan và Hungary sẽ sang thăm Trung Quốc bắt đầu từ ngày 29/5.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: Xinhua
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 28/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên xác nhận rằng 4 ngoại trưởng các nước châu Âu, gồm Serbia, Ireland, Ba Lan và Hungary sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 29/5 - 31/5 theo lời mời của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói rằng “4 quốc gia này là đối tác hợp tác quan trọng của Trung Quốc ở châu Âu và đã duy trì quan hệ hữu nghị lâu dài với Trung Quốc”.
Theo ông Triệu Lập Kiên, trong chuyến thăm này, các nhà ngoại giao châu Âu sẽ thảo luận về "quan hệ song phương, hợp tác khu vực và quan hệ Trung Quốc - EU cũng như các vấn đề cùng quan tâm khác”.
“Trung Quốc hy vọng sẽ tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác thực tế với 4 quốc gia nói trên thông qua chuyến thăm. Đồng thời, các quan chức ngoại giao sẽ thảo luận việc thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhằm tạo động lực mới cho quan hệ giữa Trung Quốc với 4 quốc gia, cũng như phát triển toàn diện và cân bằng quan hệ Trung Quốc - châu Âu” - ông Triệu lưu ý. Đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm cải thiện mối quan hệ với EU sau khi Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc bị đóng băng.
Nghị viện châu Âu (EP) hồi tuần trước đã tạm dừng phê chuẩn hiệp định đầu tư CAI với Trung Quốc do Bắc Kinh áp lệnh trừng phạt đối với 10 chính trị gia EU, cùng với các tổ chức tư vấn và cơ quan ngoại giao EU hồi tháng 3.
Các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh là phản ứng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các quan chức Trung Quốc liên quan cáo buộc về cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Theo tờ South China Morning Post, các nhà lập pháp EU cho biết, Trung Quốc phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các chính trị gia EU nếu muốn CAI được phê chuẩn, song cho đến nay Bắc Kinh chưa nhượng bộ về vấn đề này.