4 tháng đầu năm 2022: Thanh Hóa thu ngân sách Nhà nước đạt 15.746 tỷ đồng

THANH NHÂN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết: 4 tháng đầu năm 2022, Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.

Tháng 4/2022, chiến lược phòng, chống dịch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả, dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước; cùng với đó việc đẩy mạnh mở cửa du lịch quốc tế, triển khai quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ở trong tỉnh, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội đề ra từ đầu năm và trong quý I/2022 nên tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục có bước phát triển ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.

Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đạt kết quả khá, nhiều chi tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,07%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 19,9%, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 22,5%; khách du lịch tăng 19,9%, tổng thu du lịch tăng 20,5%; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 2.705 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 15.746 tỷ đồng, bằng 56% dự toán và tăng 70% so với cùng kỳ. Thành lập mới doanh nghiệp tăng 29%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 30,1% kế hoạch vốn chi tiết được giao, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Thị trường bất động sản trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, hiện tượng “sốt ảo” giá bất động sản còn xảy ra tại một số địa phương; tiến độ lập, thẩm định và trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện chưa đạt yêu cầu. Tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh và tiến độ chuẩn bị các dự án đầu tư công khởi công mới chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác chuyển đổi số tại nhiều cơ quan, đơn vị còn chậm…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Vượt qua những khó khăn, thách thức, tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, các cấp, ngành, địa phương cũng cần thẳng thắn nhìn nhận lại những hạn chế, yếu kém để đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời. Đặc biệt là những hạn chế trong công tác tham mưu; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao của một số ngành chưa mang lại hiệu quả cao, vẫn còn tư tưởng “dễ làm, khó bỏ”; vẫn còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ…

Các ngành, địa phương tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ, sớm hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa; phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa. Tập trung rà soát, xây dựng và trình phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu ngành chức năng và các địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư. Việc làm này phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chủ trương, nghị quyết đã được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...