Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

4 tháng, doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,74 tỷ USD

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu lên tới 10,74 tỷ USD.

Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 208,25 tỷ USD, tăng 30,7% với cùng kỳ năm trước.
 4 tháng, doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,74 tỷ USD. Ảnh minh họa
Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD, tăng 29,6%, tương ứng tăng 23,94 tỷ USD và nhập khẩu đạt 103,31 tỷ USD, tăng 31,8%, tương ứng tăng 24,92 tỷ USD. Với kết quả này, trong 4 tháng đầu năm 2021, cả nước tiếp tục xuất siêu 1,63 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong mức tăng trưởng chung, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt với tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 145,97 tỷ USD, tăng 34,8% (tương ứng tăng 37,67 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu đạt 78,35 tỷ USD tăng 35,3%; nhập khẩu đạt 67,61 tỷ USD, tăng 34,2%. Như vậy, sau 4 tháng cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI đã có mức thặng dư lên tới 10,74 tỷ USD.
Tính riêng trong tháng 4/2021, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI đạt 19,41 tỷ USD, giảm 11,5% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 4 tháng/2021 lên 78,35 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4/2021 đạt 17,88 tỷ USD, giảm nhẹ 1,6% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 4 tháng/2021 đạt 67,61 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục dẫn đầu, đạt 18,19 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 3,96 tỷ USD, tăng mạnh 45%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 3,17 tỷ USD, tăng 6%; sang EU (27 nước) đạt 2,44 tỷ USD, giảm 13,8%... so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,85 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Mỹ đạt 3,92 tỷ USD, tăng 46,9%; Trung Quốc đạt 3,28 tỷ USD, giảm 3,7%; liên minh châu Âu (27 nước) đạt 2,18 tỷ USD, tăng 47,2%...
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác xếp thứ ba với 12,17 tỷ USD, tăng mạnh 79,4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 5,39 tỷ USD về số tuyệt đối.
Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng này sang ba thị trường đứng đầu đều tăng rất cao trong 4 tháng qua. Cụ thể, xuất sang Mỹ đạt 5,71 tỷ USD, tăng mạnh 157%, tương ứng tăng 3,49 tỷ USD; sang liên minh châu Âu (27 nước) đạt 1,61 tỷ USD, tăng mạnh 76,5%, tương ứng tăng 697 triệu USD; sang Nhật Bản đạt 856 triệu USD, tăng 30,5%, tương ứng tăng 200 triệu USD.
Hàng dệt may đứng ở vị trí thứ tư với giá trị xuất khẩu đạt 9,66 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,7 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 48,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đã tiêu thụ 1,07 tỷ USD, giảm 9,8%; thị trường EU (27) tiêu thụ 942 triệu USD, tăng 12,8%...
Trong 4 tháng qua, sắt thép cũng đứng trong nhóm những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao khi cán mốc 3,9 triệu tấn, tăng cao tới 50,4% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt 2,79 tỷ USD, tăng tới 96,3%.
Sắt thép các loại chủ yếu được xuất khẩu sang hai thị trường chủ lực là ASEAN đạt 1,49 triệu tấn, tăng 2,6% và Trung Quốc đạt 893 nghìn tấn, tăng mạnh tới 86% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với mặt hàng gạo, trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu tăng 7,3% về trị giá, đạt 1,07 tỷ USD với lượng xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn, giảm 6,9%. Trong đó, lượng gạo xuất sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 35,6%, với 369 nghìn tấn; sang Ghana tăng 65,7%, với 210 nghìn tấn. Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường dẫn đầu Philippines là 716 nghìn tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao.
Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; dệt may, da giày;..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.