Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhân dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ (20/9/1977-20/9/2017).
Ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức điện đến Chủ tịch Đại hội đồng LHQ đề nghị về việc Việt Nam gia nhập LHQ, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với tổ chức toàn cầu này ngay từ ngày đầu mới giành được độc lập.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định chính cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã đóng góp vào việc LHQ thông qua Nghị quyết về việc trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, dân tộc thuộc địa. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Do những yếu tố lịch sử, hơn 30 năm sau, ngày 20/9/1977, Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên thứ 149 của LHQ, nhưng bằng cuộc đấu tranh giành độc lập, Việt Nam đã đóng góp vào nguyện vọng chung của các nước là mong muốn hòa bình, ổn định, độc lập.Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, chính cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã đóng góp vào việc LHQ thông qua Nghị quyết rất nổi tiếng của Đại hội đồng, Nghị quyết 1514 ngày 14/12/1960 về việc trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, dân tộc thuộc địa.
Nghị quyết 1514 tạo ra làn sóng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, buộc các nước thực dân đô hộ phải trao trả độc lập cho các thuộc địa, kéo theo đó là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng thành viên của LQH trong những năm 1960.
Kể từ khi trở thành thành viên của LHQ, Việt Nam bắt đầu nhận được sự trợ giúp, hỗ trợ của LHQ thông qua các cơ quan, tổ chức chuyên môn của LHQ như Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) và các tổ chức khác đã đến Việt Nam, đóng góp vào công cuộc tái thiết Việt Nam bằng những dự án cụ thể, có tác động tích cực, lan tỏa cho đến ngày nay như chương trình chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình kế hoạch hóa gia đình...
Bốn thập kỷ qua, LHQ đã hỗ trợ Việt Nam trên 2 tỷ USD, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đã rất tích cực đóng góp vào việc nâng cao vai trò của LHQ thông qua tham gia xây dựng các quy chuẩn, chuẩn mực của luật pháp quốc tế, từ các lĩnh vực giải trừ quân bị cho đến các vấn đề kinh tế-xã hội hay tham gia vào các định hướng của LHQ như các Mục tiêu thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững.
Việc Việt Nam thực hiện thành công các Mục tiêu thiên niên kỷ cũng là đóng góp cho những mục tiêu chung của LHQ, đồng thời cho thấy LHQ đặt ra các mục tiêu và các nước có thể thực hiện được như trường hợp của Việt Nam.
Đặc biệt, trong quan hệ hợp tác với LHQ, vị thế của Việt Nam cũng đã thay đổi. Việt Nam đã từng bước chuyển từ việc tham dự các hội nghị đến việc tham gia một cách tích cực, chủ động vào các cơ chế của LHQ.
Việt Nam đã ứng cử vào các cơ quan từ thấp đến cao, các cơ chế của LHQ, từ các ủy ban như Ủy ban Phát triển xã hội, Ủy ban về chống phân biệt chủng tộc, Ủy ban về quyền bình đẳng của phụ nữ cho đến Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - Xã hội và Hội đồng Bảo an LHQ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Trong 40 năm qua, chúng ta đã chuyển từ nước nhận sự trợ giúp sang đối tác hợp tác với LHQ và tham gia đóng góp xây dựng LHQ để LHQ trở thành tổ chức toàn cầu có trách nhiệm đối với thế giới, đối với các khu vực, từ vấn lĩnh vực hòa bình, an ninh cho đến phát triển kinh tế-xã hội”.