Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 khu vực thuộc Hà Nội và vùng lân cận có nguy cơ ngập úng cao

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/7, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) có báo cáo đánh giá tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm và nhận định trong 6 tháng cuối năm 2018.

Vùng nông nghiệp ven sông Hồng bị ngập úng

Theo đánh giá chung, các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có khu vực Bắc Trung Bộ (bao gồm cả Hà Nội) đã bước vào mùa mưa. Do đó, nhìn chung không xảy ra tình trạng khô hạn trên diện rộng. Hiện tại, mực nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ đạt trung bình 55 - 80% dung tích thiết kế. Riêng tại khu vực Hà Nội, lượng mưa được dự báo sẽ phân bố không đều và mực nước các hồ chứa thủy lợi trong tháng 7/2018 sẽ ở mức trung bình 43%.

Đáng chú ý, báo cáo của Tổng cục Thủy lợi đưa ra nhận định về khả năng xảy ra ngập úng đối với 5 khu vực thuộc Hà Nội và lân cận.

Thứ nhất là lưu vực sông Phan - Cà Lồ: Khả năng tiêu thoát nước của sông Phan, sông Cà Lồ kém; lưu vực có nhiều khu vực trũng thấp, khả năng tiêu thoát nước kém, chỉ cần mưa liên tục 200mm trong 1 ngày sẽ có nhiều nơi ngập úng nặng).

Thứ hai là hệ thống sông Nhuệ: Quá trình đô thị hóa khiến hệ thống kênh dẫn nước bị bồi lấp, lấn chiếm; do đó chỉ cần mưa 250mm trong 1 ngày, khu vực các quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì sẽ bị ngập.

Thứ 3 là khu vực Bắc Đuống thuộc các huyện Đông Anh, Gia Lâm có khả năng bị ngập do tiêu thoát nước của sông Ngũ Huyện Khê kém.

Thứ 4 là lưu vực sông Tích, sông Bùi, chịu tác động từ lũ rừng ngang từ dãy núi Ba Vì và Hòa Bình đổ về mà không có hồ chứa lớn để cắt lũ. Ngoài ra, khả năng thoát nước từ sông Tích, sông Bùi cũng rất kém nên chỉ cần mưa liên tục 2 ngày với lượng 300mm có thể gây ngập cho Quốc Oai, Chương Mỹ.

Vùng thứ 5 được xác định là hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải: Một số khu vực tiêu nước vào các sông trục nội đồng có khả năng bị ngập lớn do năng lực tiêu của các cống và trạm bơm tiêu hạn chế.