Chiến thắng của ông Emmanuel Macron đã dấy lên sự chấn động trong lòng chính trị Pháp.
Một năm trước, ông là thành viên của phe ôn hòa, một trong những đảng ít có tiếng nói nhất chính trường nước này. Ở tuổi 39, ông đã giành được chiếc ghế Tổng thống, đánh bại phe trung tả, trung hữu và cả cựu hữu vốn nổi lên sau làn sóng dân túy.
May mắn
Ông Macron tự nhận có quan điểm chính trị trung dung, không thuộc cánh tả, cũng chẳng thuộc cánh hữu và cũng chưa từng là thành viên của 2 đảng truyền thống là Xã hội và Những người Cộng hòa.
Người dân Pháp thất vọng vì trong 10 năm thay nhau nắm quyền vừa qua, cả đảng Xã hội (PS) của cựu Tổng thống Francois Hollande lẫn đảng Những người Cộng hòa (LR) của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy đều không tạo được những thay đổi cần thiết để đất nước thật sự vượt qua những khó khăn của đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Họ chọn ông Macron, một ứng viên chưa tròn 40 tuổi vì sự mới mẻ của quan điểm trung hòa, không tả cũng chẳng hữu, như một làn gió mới cho nước Pháp.
Chiến thắng của ông Macron cũng trở nên rộng mở hơn nhiều kể từ khi đối thủ nặng ký vòng đầu từ phe trung hữu, ông François Fillon vấp phải bê bối tạo công việc “khống” cho người thân. “Ông ấy gặp vận may, khi đối diện những tình huống hoàn toàn không ngờ tới”, theo Marc-Olivier Padis, một học giả ở Paris.
Khôn ngoan
Ông Macron đáng ra đã đầu quân cho đảng Xã hội, nhưng ông nhận ra sau nhiều năm nhận được ủng hộ từ công chúng, tiếng nói của đảng này đang ngày càng yếu ớt.
“Ông ấy có thể nhìn ra cơ hội mà người khác không thấy”, chuyên gia Padis khẳng định.
Thay vào đó, ông đã quan sát các phong trào chính trị khác tại châu Âu, như Podemos ở Tây Ban Nha, phong trào 5 sao của Italia và nhận thấy cần có làn gió thay đổi ở nước Pháp. Do đó, vào tháng 4/2016, ông thành lập chiến dịch “do nhân dân làm chủ” mang tên En Marche! (nước Pháp tiến lên!).
Chọn hướng đi mới cho nước Pháp
Khi khởi động chiến dịch này, ông đã lấy cảm hứng từ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc bầu cử năm 2008, theo nhà báo Emily Schultheis tại Paris.
Dấu ấn đầu tiên của ông là triển khai Cuộc diễu hành Lớn Grande Marche, huy động lượng lớn các nhà hoạt động thiếu kinh nghiệm nhưng đầy nhiệt huyết của chiến dịch tham gia vận động.
The bà Schultheis, “chiến dịch sử dụng phương thức giống ông Obama từng thực hiện năm 2008 - coi các quận và khu phố trên toàn nước Pháp. Họ đã cử tình nguyện viên đến gõ cửa khoảng 300.000 căn nhà để tuyên truyền và trao đổi”.
Các tình nguyện viên không chỉ gửi tờ bướm mà còn thực hiện 25.000 cuộc phỏng vấn sâu tầm 15 phút với các cử tri trên toàn quốc. Những thông tin này góp phần xây dựng 1 cơ sở dữ liệu lớn và hữu ích để ông Macron từ đó hình thành các chính sách và ưu tiên trong cương lĩnh tranh cử.
“Đó là một trong những dấu ấn giúp ông Macron lấy lòng quốc gia này, đồng thời đảm bảo sự trao đổi giữa chính quyền và người dân. Đó cũng là bước rèn luyện để ông Macron đặt nền móng cho công việc sau này”, theo nhà báo Schultheis.
Thông điệp lạc quan
Sự nghiệp chính trị của ông Macron chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Từng làm phụ tá cho ông Hollande và sau đó là bộ trưởng kinh tế; một cựu nhân viên ngân hàng tham gia tranh cử, một nhà trung lập với chương trình cấp tiến để cắt giảm khu vực tư nhân.
Đó là đòn hữu hiệu tấn công ứng viên Marine Le Pen, người cho rằng ông Macron là ứng viên của giới tinh hoa, chứ không phải là “một kẻ ngoại đạo” như ông tự xưng. Ông cũng lách khỏi những nỗ lực “dán nhãn” ông là một Francois Hollande thứ 2, mà muốn hướng tới sự mới mẻ hơn.
“Ông ấy trẻ, tràn đầy năng lượng. Ông ấy không nói với nước Pháp về những dự định của bản thân mà chỉ cho họ cách nắm bắt cơ hội. Ông ấy là người duy nhất truyền tải thông điệp đó, rất lạc quan và tích cực”, nhà báo Schultheis nhận định.
Khi chọn đối thủ là ứng viên Marine Le Pen
Trái ngược hoàn toàn với thông điệp lạc quan từ chiến dịch tranh cử của ông Macron, bà Marine Le Pen nổi lên nhờ tư tưởng bài ngoại, chống nhập cư, chống EU…
Điều này vô tình tạo lợi thế cho ông Macron. Chiến dịch của ông là một vũ đài nhạc pop tươi sáng, trong khi những cuộc vận động của bà Le Pen bao gồm người phản đối ném phá, cảnh sát phải xuất hiện và những người giận dữ bao vây, theo Emily Schultheis.
Cuộc tranh luận quyết định giữa 2 ứng viên vào ngày 3/5 trở thành cuộc cãi vã nảy lửa. Bà Le Pen bị tố là “thầy cúng của nỗi sợ hãi” trong khi ông Macron bị đáp trả là công cụ nguy hiểm của nền tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, người dân Pháp cũng dường như được cảnh tỉnh về vị trí tổng thống cực hữu đầy chia rẽ và bất ổn.