Ngày 26/12/2020, các cộng đồng di sản kéo co tại Việt Nam có lần hội ngộ đầu tiên để bàn về tính kết nối của di sản, khi nhận thấy sau 5 năm công nhận, di sản vẫn giậm chân tại chỗ kiểu làng nào, làng đó kéo.
Di sản của làng nào làng đó biếtTheo TS Lê Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, kéo co mà UNESCO công nhận không phải là là trò chơi, cũng không phải một môn thể thao mà nó là thể hiện tín ngưỡng tâm linh của người Việt cũng như nhiều nước khu vực Đông Nam Á hay châu Á. Nghi lễ này thể hiện niềm tin của người dân vào các vị thần linh; gắn kết, giữ gìn và phát huy các giá trị chung của cộng đồng. Ở Campuchia, kéo co gọi là Lbaeng Teanh Prot, Hàn Quốc là Juldarigi, ở Phillipine là Punnuk. Còn ở Việt Nam có nhiều tên gọi như kéo co, kéo co ngồi, kéo mỏ hay kéo song…
Tính riêng ở Việt Nam, di sản tồn tại ở rất nhiều địa phương như: thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), phường Trấn Vũ Thạch Bàn, Long Biên (Hà Nội), thôn Hữu Chấp, xã Hòa Long (tỉnh Bắc Ninh), thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc)… Tuy nhiên, nói như PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: Tính kết nối của di sản này ở các địa phương trong cả nước còn rất kém. Đến nay, chưa một lần các địa phương sở hữu di sản có tính giao lưu kết nối. Chính vì vậy, di sản ngày càng mai một. Bí thư Chi bộ thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Người dân địa phương hiểu ý nghĩa và chủ động trong việc bảo tồn, phát huy giá trị. Tuy nhiên khó khăn gặp phải là tình trạng thiếu kinh phí dành cho công tác bảo vệ và trao truyền; mai một những giá trị chưa được nhận diện, phục hồi; nguồn vật liệu truyền thống như cây song (dùng trong nghi lễ kéo co ngồi) ngày một khan hiếm...”. Hay di sản kéo mỏ ở thôn Xuân Lai cũng mang nhiều giá trị rất riêng biệt.
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thu Nguyễn Hữu Mạnh cho biết: “Kéo mỏ rất là quan trọng trong lễ hội đầu Xuân của người dân tôn Xuân Lai. Từ việc chọn tre, làm mỏ, lễ trình thánh đều có quy tắc và trang trọng”. Tuy nhiên, việc trình diễn di sản cũng mới thực hiện ở trong thôn nên cũng chưa nhiều người biết đến nét đặc sắc của di sản. Chưa kể, ở nhiều địa phương vì chưa có sự quan tâm của chính quyền địa phương nên không gian trình diễn di sản bị xuống cấp, lực lượng tham gia trình diễn thiếu hụt… Nhiều người lo lắng, di sản sẽ biến mất khỏi cộng đồng nếu Bộ VHTT&DL không đưa ra chính sách bảo tồn hợp lý.Hà Nội mong là địa phương đăng cai kết nốiRiêng ở Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội từ khi di sản kéo co được thế giới ghi danh, kéo co ngồi đã được chính quyền và người dân quan tâm. Trưởng Ban quản lý đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) Ngô Quang Khải cho hay: Di sản được đưa về trường học, giới thiệu về truyền thống của quê hương đến các em học sinh. Mỗi năm có khoảng 12 nghìn học sinh đến di tích đền Trần Vũ để học, xem và thực hành kéo co.
Hiện nay, UBND quận Long Biên đã phê duyệt xây dựng nhà truyền thống để quảng bá giới thiệu di sản. Tuy nhiên, với điều kiện từng được sang Hàn Quốc chứng kiến việc bảo tồn của nước bạn, ông Khải vẫn thèm khát Việt Nam có một bảo tàng trưng bày kéo co, làm sao giúp người dân hiểu về di sản với niềm tự hào dân tộc như Hàn Quốc. Để có được điều đó, không còn cách nào khác là cộng đồng di sản phải giao lưu, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn.Trước thực trạng trên, Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với Sở VH&TT Hà Nội cùng các đơn vị liên quan thực hiện tọa đàm cộng đồng “Nghi lễ và trò chơi kéo co năm 2020” với mong muốn sẽ là đơn vị đứng ra kết nối cộng đồng kéo co tại Việt Nam. Tại tọa đàm, Ban tổ chức đã xin ý kiến thành lập câu lạc bộ mạng lưới các cộng đồng di sản kéo co Việt Nam, trong đó có sự tham gia của tất cả các địa phương sở hữu di sản. Câu lạc bộ sẽ tổ chức giao lưu, tọa đàm theo từng tháng, từng quý.
TS Lê Thị Minh Lý cho biết: “Chúng tôi sẽ bàn thảo để trong năm ít nhất có một ngày tất cả các cộng đồng có thể tụ hội tại một điểm để cùng kéo co. Các địa phương sẽ thay nhau đăng cai. Ngày được chọn có thể là ngày 23/11 (ngày Di sản Việt Nam), hoặc ngày mà di sản được UNESCO công nhận”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, TS Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH&TT Hà Nội) cho biết, Hà Nội mong muốn là địa phương đầu tiên đăng cai tổ chức sự kiện này.