Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Thay đổi căn bản diện mạo nông thôn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nâng cao đời sống cho người nông dân là mục tiêu xuyên suốt trong Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Kết quả thực hiện 5 năm qua cho thấy những chuyển biến rõ nét trong đời sống, thu nhập của nông dân Thủ đô.

Tỷ lệ hộ nghèo dự kiến còn 0,5%
Cụ thể hóa mục tiêu nâng cao đời sống cho người nông dân, TP đã sớm hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các sản phẩm chủ yếu để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.
Các quy hoạch được xây dựng trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế của Thủ đô, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đất đai, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Nhờ triển khai có hiệu quả một loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù, Hà Nội đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2015 - 2020 tăng trưởng và phát triển ổn định. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng bình quân 2,54%/năm. Giá trị sản xuất đạt hơn 280 triệu đồng/ha, tăng 1,21 lần so với năm 2015.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra mô hình phát triển nông thôn mới tại huyện Thường Tín tháng 5/2020. Ảnh: Phạm Hùng
Nông nghiệp phát triển giúp đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/năm. Một số huyện có thu nhập bình quân cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 60 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 55 triệu đồng/người/năm... Đa số các hộ dân khu vực nông thôn đến nay đều đã có nhà ở kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe có nhiều tiến bộ; 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm.
Hiện, 100% số xã có kết nối internet. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn liên tục giảm qua các năm. Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ giảm xuống còn 0,5% theo chuẩn mới. Đến nay, toàn TP đã có 3 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức) không còn hộ nghèo.
Cốt lõi là nâng cao đời sống nông dân
Chuyển biến tích cực trong đời sống của người nông dân là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Mặc dù vậy, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế... Một số huyện hiện vẫn có tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao như Ba Vì (1,43%), Mỹ Đức (1,55%), Thanh Oai (1,3%)...
Tại những hội nghị giao ban Chương trình số 02-CTr/TU gần đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã nhiều lần nhấn mạnh: Cốt lõi của xây dựng nông thôn mới là phải hướng tới nâng cao đời sống cho người nông dân. Đây được xem là kim chỉ nam trong định hướng tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy trong giai đoạn 2021 – 2025.
Để đạt được các mục tiêu về giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người nông dân trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề. Tích cực, chủ động trong chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của T.Ư và Hà Nội. Hỗ trợ, hướng dẫn người nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập.
Cùng với phát triển nông nghiệp, các địa phương cần chú trọng mở rộng sản xuất trong các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn. Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tổng kinh phí đã huy động để triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy từ năm 2016 đến nay là khoảng 56.513 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đạt gần 4.813 tỷ đồng. Để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, TP dự kiến huy động tổng vốn đầu tư là 89.000 tỷ đồng.