Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 sự kiện nổi bật ngành Dân số năm 2019

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019 là năm thứ hai ngành Dân số triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới.

Cũng trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, đây là văn bản quan trọng, đánh dấu bước chuyển trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Trên cơ sở các sự kiện được đề cử, ngành Dân số chọn 5 sự kiện tiêu biểu, nổi bật nhất cho công tác Dân số năm 2019:
1. Ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030
Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 là văn bản quan trọng, đánh dấu bước chuyển trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Chiến lược đã cụ thể hóa cả hai nội dung của dân số và phát triển để thực hiện đầy đủ, toàn diện và đồng bộ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
2. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo công tác dân số trong tình hình mới tại Lễ Phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm 2019 với chủ đề "Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước".
Phó Thủ tướng khẳng định công tác dân số hiện nay không chỉ đơn giản là kế hoạch hoá gia đình, bảo đảm sức khoẻ bà mẹ, trẻ em hay mọi người dân mà vấn đề dân số và phát triển đã bao trùm hơn rất nhiều. Đây không còn là chức năng của riêng Bộ Y tế mà là công việc của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và từng người dân.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất thời gian tới là làm sao để các cấp ủy, chính quyền phải nhận thức được về công tác dân số. Khi đã có nhận thức, người ta sẽ cố gắng bằng mọi cách để làm tốt nhất và mang lại hiệu quả. Khi đã thay đổi được nhận thức về Dân số và Phát triển, trên cơ sở Nghị quyết 21-NQ/T.Ư cũng như Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, nhất định chúng ta sẽ huy động được mọi nguồn lực trong xã hội để tập trung cho mục tiêu làm sao cho dân số Việt Nam phát huy được những lợi thế trong thời gian vừa qua và phù hợp với xu thế mới để có quy mô, cơ cấu, phân bổ thật hợp lý cũng như chất lượng dân số thật cao.
Về đội ngũ cộng tác viên dân số, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý phải tăng cường đào tạo, tập huấn, phát triển đội ngũ cộng tác viên dân số theo hướng đổi mới, không giới hạn ở công tác kế hoạch hoá gia đình, sức khoẻ sinh sản mà trở thành lực lượng nòng cốt trong các lĩnh vực liên quan đến dân số như: Phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ, bảo vệ trẻ em, chăm sóc người già…
3. Ngày Tránh thai thế giới 26/9/2019
Ngày tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
 Các đại biểu ký cam kết hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới.
Mục tiêu của Ngày tránh thai Thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.
Sự kiện ý nghĩa này được tổ chức với sự tham gia của trên 500 đại biểu bao gồm: Lãnh đạo Bộ Y tế, T.Ư Hội LHPN Việt Nam, đại diện 10 bộ, ngành đoàn thể T.Ư, các Chi cục DS - KHHGĐ các tỉnh/TP, đại diện cán bộ làm công tác dân số, chị em phụ nữ và sinh viên, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cùng với Hội LHPN Việt Nam đã đưa ra các thông tin hữu ích về tình hình thực hiện KHHGĐ và nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai tại Việt Nam; thực trạng phá thai trên thế giới và Việt Nam; lợi ích của việc tránh thai.
4. Ngày 3/12/2019 Bộ Y tế ký ban hành Thông tư số 30/2019/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2017/TT-BYT ngày 18/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.
Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong việc hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh hướng đến mục tiêu Chiến lược Dân số đến năm 2030: 70% phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc) ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
5. Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành dân số đến năm 2025 (Quyết định số 5745/QĐ-BYT ngày 10/12/2019.
Kế hoạch kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành dân số đến năm 2025 được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 5745/QĐ-BYT ngày 10/12/2019 là văn bản quan trọng đối với công tác thanh tra dân số.