Ngày 19/12, Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ KH&ĐT phối hợp với Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức.
Hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam hút nhà đầu tư quốc tế
Kể từ năm 2019, Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Vietnam Venture Summit đã trở thành sự kiện thường niên, là nơi quy tụ, kết nối hiệu quả các quỹ đầu tư quốc tế với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Tại Diễn đàn các năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua từng năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020. Và trong giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đạt gần 2 tỷ USD. Điều này cho thấy, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và trong khu vực.
Tại diễn đàn năm nay, vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 là 1,5 tỷ USD. Tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm 2023 - 2025 dự kiến đạt 5 tỷ USD.
Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Dịch chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu” để phản ánh sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế. Sự dịch chuyển đó không chỉ là dòng vốn mà chính là dòng chảy của tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính tri thức, công nghệ trong các sản phẩm, dịch vụ được tạo nên từ quá trình đổi mới sáng tạo sẽ là thước đo giá trị cho hoạt động đầu tư tài chính.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong nhiều năm qua, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đã được Chính phủ và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm và đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số cho doanh nghiệp…
Sớm hình thành môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất
Đến nay, Việt Nam có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP năm 2019 của Chính phủ với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách cho CMCN 4.0 được quốc tế đánh giá cao.
Tại Báo cáo Đổi mới sáng tạo (GII), chỉ số xếp hạng về Thể chế tăng hạng mạnh từ vị trí thứ 83 năm 2020 và 2021, lên vị trí thứ 51 năm 2022. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra tiền đề cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bước đầu thiết lập được hệ thống các đơn vị hỗ trợ, ươm tạo từ viện, trường, đến doanh nghiệp, các mạng lưới tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, ngoài việc phát triển các chủ thể hệ sinh thái, cần sớm hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, linh hoạt và minh bạch.
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trên 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019. Điều này cho thấy hoạt động giao dịch trên thị trường đã được cải thiện đáng kể, lấy lại động lực sau khi sụt giảm do đại dịch Covid-19. Đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục vào năm 2023 với mức GDP dự đoán là 6,7% vào năm 2023.
Nhìn nhận về thị trường Việt Nam, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế, và trong khu vực. 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thương vụ đầu tư thành công tại Việt Nam chiếm 19% số thương vụ của toàn khu vực Đông Nam Á. Với đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu USD đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ.
Để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tin tưởng, các nhà đầu tư và cộng đồng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tham gia Diễn đàn sẽ tìm được những kết nối mới, cơ hội mới và quan trọng hơn là nhìn thấy Việt Nam như một điểm đến tin cậy.
Tại diễn đàn các năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020. Tại diễn đàn hôm nay, vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 là 1,5 tỷ USD. Tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm 2023 - 2025 dự kiến đạt 5 tỷ USD.