50 năm thống nhất đất nước - Ngày 5/4/1975: Hàng không Bắc-Nam đi vào hoạt động
Ngày 5/4/1975, chuyến bay vận tải đầu tiên mang phù hiệu Quân giải phóng từ miền Bắc vào hạ cánh tại sân bay Phú Bài (Huế) và hai ngày sau đó lại vào hạ cánh tại Đà Nẵng.

Máy bay tham gia cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975. (Nguồn: Vietnam Airlines)
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền nam trước mùa mưa, ngày 5/4/1975, cánh quân Duyên Hải - cánh quân phía Đông, được thành lập.
Lực lượng gồm Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và các đơn vị vừa được tăng cường: Sư đoàn 325, Sư đoàn 304, một số đơn vị pháo binh, xe tăng, cao xạ, công binh.
Bộ Tư lệnh cánh quân do Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Trung tướng Lê Quang Hòa làm Chính ủy.
Ngay sau khi thành lập, cánh quân Duyên Hải khẩn trương hành tiến theo đường số 1 về phía Nam thực hiện nhiệm vụ trước mắt là hành tiến tiêu diệt địch, nhanh chóng đánh chiếm Bà Rịa, Ô Cấp, khóa sông Lòng Tàu, phát triển về Sài Gòn từ hướng đông nam.
Trong khi đó, ngày 5/4/1975, Sư đoàn 312 đã hành quân vào tới Trạm điều chỉnh giao thông của Bộ ở Đông Hà (Quảng Trị). Tại đây, Sư đoàn nhận lệnh tiếp tục hành quân cơ giới theo đường tây Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ để kịp thời tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Tại Cần Thơ, ngày 5/4/1975, Trung đoàn 10 và Tiểu đoàn Tây Đô của tỉnh Cần Thơ, dùng pháo cối đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 11 ngụy và tập kích lần thứ hai chi khu Một Ngàn.
Cùng ngày, chuyến bay vận tải đầu tiên mang phù hiệu Quân giải phóng từ miền Bắc vào hạ cánh tại sân bay Phú Bài (Huế) và hai ngày sau đó lại vào hạ cánh tại Đà Nẵng mở đầu cho hoạt động của đường hàng không Hà Nội-Huế, Hà Nội-Đà Nẵng và bắt đầu tổ chức các chuyến bay từ Đà Nẵng lên các sân bay vừa được giải phóng ở Tây Nguyên.
Trong không khí sôi động của cả nước ra trận, toàn bộ lực lượng vận tải gồm 12.000 người, 6.300 xe vận tải của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Đoàn 559; hơn 2.100 xe ôtô của Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần và hàng trăm xe ôtô của các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng đã được huy động chuyển quân, chuyển hàng phục vụ chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Từ tháng 1 - 4/1975, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Đoàn 559 đã đưa vào Nam Bộ được hơn 115.000 quân và 90.000 tấn hàng, trong đó có 37.000 tấn vũ khí và 9.000 tấn xăng, dầu.
Ở Sài Gòn, Thiệu chấp nhận đơn xin từ chức của Trần Thiện Khiêm và cử Nguyễn Bá Cẩn lên lập chính phủ mới, quyết định tăng cường cho “lá chắn thép Phan Rang” một lữ đoàn dù, một liên đoàn biệt động quân và một số đơn vị tăng thiết giáp để cố giữ các phần đất còn lại.
Để tăng uy thế cho quân ngụy, hai tàu sân bay lớn của Mỹ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương vào tuần tra biểu dương lực lượng ở vùng biển Nam Việt Nam.
Tổng thống Mỹ R. Ford quyết định bắt đầu di tản các gia đình, nhân viên người Mỹ về nước./.

50 năm thống nhất đất nước: Chiến thắng Xẻo Rô-Chiến thắng của ý Đảng lòng dân
Chiến thắng Xẻo Rô có ý nghĩa rất quan trọng, là phát pháo báo hiệu "đêm trước" của cao trào toàn dân nổi dậy diệt ác, phá kềm, giành quyền làm chủ nông thôn ở Rạch Giá và miền Nam lúc bấy giờ.

50 năm thống nhất đất nước - Ngày 26/3/1975: Hoàn toàn giải phóng Thừa Thiên-Huế
Ngày 26/3/1975, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên đỉnh Kỳ Đài - Phu Văn Lâu, đánh dấu việc giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Công bố logo kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL vừa công bố biểu trưng (logo) để sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/41975 – 30/4/2025).