70 năm giải phóng Thủ đô

500.000 tấn thép cuộn Trung Quốc vào Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cả năm 2011, lượng thép cuộn nhập từ Trung Quốc chỉ khoảng 100.000 tấn thì 9 tháng đầu năm nay đã nhập 500.000 tấn.

Theo hiệp hội Thép, trong 9 tháng đầu năm 2012, đã có 500.000 tấn thép cuộn Trung Quốc nhập vào Việt Nam.

Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt cho rằng, trong khi nhiều nước đã áp dụng biện pháp tự vệ thì dường như những biện pháp của Việt Nam vẫn chưa có kết quả, đơn cử là thép cuộn từ Trung Quốc vẫn đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều.

Ông Thái cho biết, với giá rẻ hơn thép sản xuất trong nước, thép cuộn Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh hơn 10% thị phần tại các khu vực nông thôn . Nếu không sớm có biện pháp kiểm soát, chắc chắn ngành thép trong nước sẽ ngày càng khó khăn.
 
 
500.000 tấn thép cuộn Trung Quốc vào Việt Nam - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa

Với tư cách là Phó chủ tịch VSA phụ trách phía Nam, ông Thái cho rằng ngành thép Việt Nam có khoảng 25 nhà máy thép qui mô vừa và lớn nhưng đến nay, đã có 30% số nhà máy đó ngưng sản xuất và phần còn lại chỉ chạy 50% công suất.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết sản xuất thép xây dựng trong nước 9 tháng đầu năm đạt 3,3 triệu tấn, giảm gần 11% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng lượng thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 9 tháng khoảng 5,6 triệu tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ.

Còn theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA thì về sản xuất trong nước, do đầu tư không được kiểm soát chặt chẽ nên đến nay hiện tượng cung vượt cầu đã xảy ra đối với tất cả các sản phẩm thép chính của Việt Nam như phôi (công suất thiết kế hiện nay 8,4 triệu tấn/năm), thép xây dựng (8,5 triệu tấn), thép cuộn cán nguội (2,9 triệu tấn), tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (2,8 triệu tấn), ống thép hàn (2 triệu tấn) và thép cuộn cán nguội không gỉ (300.000 tấn).

Năng lực sản xuất thép nói trên hiện đã vượt gần gấp đôi nhu cầu, dẫn tới tình trạng sản xuất, tiêu thụ thép bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đối mặt với nguy cơ phá sản.

Để cứu vãn tình hình, trước mắt là kiểm soát thép nhập khẩu kém chất lượng, VSA đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành quy trình xin cấp chứng chỉ nhập khẩu thép vào Việt Nam. Trước đó, hồi tháng 8 năm nay, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 23/2012/TT-BCT quy định việc áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép. Tuy nhiên, thời gian cấp phép chỉ từ 5 – 7 ngày.

Trong khi đó, theo VSA, các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã áp dụng những biện pháp phi thuế quan phức tạp, kéo dài hơn rất nhiều nhằm làm nản lòng các nhà nhập khẩu thép vào các nước này.

Chẳng hạn như quy trình cấp chứng chỉ nhập khẩu thép vào Thái Lan phải qua 14 khâu và mất từ 40 – 50 ngày làm việc (chưa bao gồm thời gian kiểm tra mẫu), còn nhập vào Malaysia và Indonesia cũng phải qua hơn 17 khâu trong thời gian 41 ngày, lâu nhất là công đoạn lấy mẫu kiểm tra chất lượng (mất 20 ngày), rồi cấp chứng chỉ kiểm định chất lượng trước khi cấp phép nhập khẩu.