Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

56.904 tỷ đồng thực hiện quy hoạch phòng chống lũ cho Hà Nội

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/10, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo khoa học về dự án điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết trên các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội.

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, sau khi có Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã thuê Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tư vấn lập quy hoạch. Đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi của 6 bộ: Quốc phòng, KH&ĐT, Tài chính, TN&MT, GTVT, Xây dựng. Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang trình xin ý kiến của Bộ NN&PTNT.

Theo Quy hoạch phân lũ trên các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội mà Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam vừa hoàn thành, không gian thoát lũ sẽ rộng hơn và nằm giữa hai đê chính. Tổng số hộ cần di dân là khoảng 1.900 hộ. Diện tích sử dụng bãi sông khoảng 4.568ha, 20 bãi và việc xây dựng sẽ có giới hạn. Quy hoạch do Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam lập cũng đề xuất nạo vét 4 bãi sông: Trung Châu (huyện Đan Phượng), Võng La và Hải Bối (huyện Đông Anh) và Văn Đức (huyện Gia Lâm). Quy hoạch chống được lũ chu kỳ 500 năm cho trung tâm TP Hà Nội… Tổng kinh phí cần thiết để triển khai quy hoạch phòng chống lũ là 56.904 tỷ đồng.

Nêu ý kiến với vai trò là đơn vị thẩm tra, đại diện Trường Đại học Thủy lợi cho biết, quy hoạch do Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam lập cơ bản phù hợp với những điều kiện hiện nay, đặc biệt là việc cho phép xây dựng ven bãi sông sẽ giúp tận dụng tiềm năng về tài nguyên đất ven sông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Trường Đại học Thủy lợi cũng có kiến nghị, nguồn kinh phí sử dụng để thực hiện quy hoạch trên rất lớn. Do đó, nên xem xét xã hội hóa đầu tư.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, sau khi lấy ý kiến rộng rãi, 30 quận, huyện, thị xã, các sở ban ngành và đông đảo người dân Thủ đô đồng tình với phương án Quy hoạch của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Băn khoăn của một bộ phận người dân và chính quyền địa phương hiện nay là mong muốn tăng tỷ lệ diện tích đất bãi sông được phép xây dựng công trình hạ tầng. Ông Nhã bày tỏ mong muốn, Bộ NN&PTNT sớm có ý kiến về quy hoạch, bởi việc kéo dài quy hoạch sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, nhất là liên quan tới ổn định đời sống.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đánh giá cao quy hoạch do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện. Đồng thời cho biết, sẽ sớm thẩm định các yêu cầu về kỹ thuật để cho ý kiến về dự án quy hoạch. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng đề nghị TP Hà Nội nghiên cứu về giải pháp về nguồn vốn, bảo đảm đầu tư triển khai tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với điều kiện.