5G là công cụ quan trọng để chuyển đổi số
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân khi đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước, trong đó có cả Việt Nam. Nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam đang từng bước sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số nền kinh tế được xác định là một trong những trụ cột quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, tạo ra không gian phát triển mới và mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển nhưng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.
Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu tại Diễn đàn. |
Theo định hướng phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, dự kiến kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP của Việt Nam vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, với tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực tương ứng đạt tối thiểu 10% và 20%.
Theo nhận định của Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh, 5G được coi là một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, năng lượng đến thương mại dịch vụ. Nhiều mô hình kinh doanh, thậm chí là những ngành và dịch vụ hoàn toàn mới đang xuất hiện, thay thế cho những mô hình truyền thống nhờ sự hỗ trợ của công nghệ mới.
5G sẽ là nhân tố tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, ước tính tạo ra 13.1 ngàn tỷ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035, ông Lê Trọng Minh nói.
Với những nền tảng thuận lợi cả về hành lang pháp lý đang dần được hoàn thiện và nhận thức của ngày càng nhiều doanh nghiệp cũng như người dân về tính thiết yếu của chuyển đổi số, 5G có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong những năm tới, trở thành nền tảng cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng, Tổng Biên tập Báo Đầu chia sẻ.
Có cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống khẳng định, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng chỉ đạo cần tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống |
Công nghệ 5G là công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc phổ cập dịch vụ mạng di động 5G là một trong các mục tiêu cụ thể tại Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, Thứ trưởng Võ Thành Thống Nhận định.
Lợi ích của 5G là rất lớn
Chia sẻ tại Diễn đàn, Giám đốc Quốc gia của TEKID Việt Nam (một thành viên của EuroCham) Christophe Poisson cho biết 5G sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng, cộng đồng doanh nghiệp cũng như chính phủ các quốc gia. Cụ thể là tốc độ cao của 5G nhanh gấp 10 lần 4G. Nói cách khác, tốc độ sẽ tăng từ 10 megabit/ giây lên 100 megabit/giây. Với 4G, một bộ phim 800 MB mất khoảng 40 giây để tải xuống nhưng với 5G con số này sẽ giảm chỉ còn 1 giây.
Tiết kiệm tối đa thời gian là một lợi thế quan trọng cho phép nhiều công ty tự động hóa các tác vụ có thể tự động hóa nhằm tiết kiệm lượng thời gian đáng kể và quản lý hoạt động tại chỗ hiệu quả hơn. Đây là một lợi thế cạnh tranh quan trọng và là cơ hội lớn cho sự phát triển của các giải pháp sáng tạo như điều khiển máy móc từ xa.
Chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm phát triển 5G cho Việt Nam |
Không chỉ vậy, 5G còn giúp giảm chi phí và năng lượng tiêu thụ. Không giống như các thế hệ mạng di động trước đây. 5G được thiết kế để giải quyết vấn đề hao tốn năng lượng tiêu thụ. Người ta ước tính rằng 5G sẽ sử dụng một nửa năng lượng của 4G đời đầu để mang 1 Giga dữ liệu và ít hơn 10 lần năng lượng vào năm 2025.
Thế giới đang trải qua một sự thay đổi lớn khi bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số và Việt Nam đang tham gia vào kỷ nguyên này. Các thành viên của EuroCham luôn sẵn sàng với các cơ quan chức năng của Việt Nam để chia sẻ kiến thức chuyên môn để thực hiện các chính sách và công nghệ tối ưu nhất để Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tương lai, ông Christophe Poisson bày tỏ.
Về phía Tổng Giám Đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào Denis Brunetti cũng đưa ra nhận định, 5G đang thay đổi hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới. Với các mạng 5G thương mại phục vụ người tiêu dùng đã được triển khai trên toàn cầu, làn sóng mở rộng 5G tiếp theo sẽ mang lợi ích của tính di động, tính linh hoạt, độ tin cậy và bảo mật nâng cao tới cho mọi loại hình doanh nghiệp. Kỷ nguyên của kinh doanh được 5G hỗ trợ đã tới - và cùng với đó là rất nhiều cơ hội hoàn toàn mới dành cho các nhà cung cấp dịch vụ.
5G có tiềm năng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hầu hết mọi ngành công nghiệp hoặc xã hội. Làn sóng phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo của Việt Nam sẽ đến từ đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, được thúc đẩy bởi nền kinh tế số, thông qua dữ liệu. Dữ liệu sẽ trở thành loại nhiên liệu mới đảm bảo hoạt động của động cơ tăng trưởng mới là internet và nền kinh tế số. Trong thế giới mới này, 5G sẽ đóng vai trò cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Các ứng dụng vận hành trên 5G sẽ tạo ra giá trị lớn cho xã hội, người tiêu dùng và ngành công nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam đang có hoài bão số hóa xã hội, chúng tôi kỳ vọng 5G sẽ đóng vai trò nền tảng thông qua tăng cường kết nối băng rộng, cải thiện vùng phủ sóng nông thôn, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách số, phát triển Công nghiệp 4.0 và gia tăng đóng góp của lĩnh vực truyền thông số vào GDP của Việt Nam. Một thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là phát triển nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2025 và 7,5% vào năm 2030, ông Denis Brunetti chia sẻ.