Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 nhiệm vụ trọng tâm để hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 21/4/2022 ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

6 nhiệm vụ trọng tâm để hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn
6 nhiệm vụ trọng tâm để hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn

Mục đích của kế hoạch là quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tạo chuyển biến, thống nhất về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương đối với công tác khí tượng thủy văn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, xác định, cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu, khả thi nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Tại Quyết định, Phó Thủ tướng phân công các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: 1- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn; 2- Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; 3- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; 4- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn; 5- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực dành cho công tác khí tượng thủy văn; 6- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan có liên quan đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn, xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thuỷ văn quốc gia tập trung, liên thông với cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường, cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống thiên tai và các cơ sở dữ liệu chung của quốc gia.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn…