7.000 xe ô tô công thừa để làm gì?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2015, phát hiện ra số lượng khoảng 7.000 xe ô tô công thừa, Bộ Tài chính đã dự kiến sẽ xử lý bằng cách điều chuyển và đấu giá. Thế nhưng cho đến thời điểm này, số lượng xe đấu giá vẫn chưa thể “chốt” vì vẫn phải đợi các bộ, ngành địa phương rà soát.

Tại buổi họp báo về mua sắm tập trung tài sản công diễn ra chiều 28/4, lãnh đạo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết đến thời điểm này, Bộ này vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản báo cáo kết quả rà soát và đăng ký mua sắm tài sản công, trong đó có xe ô tô từ phía các bộ ngành địa phương. “Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm tài sản tập trung cấp quốc gia của bộ, ngành trung ương, địa phương về Bộ Tài chính trước ngày 30/5/2016.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào từ các bộ ngành, địa phương. Vì thế, con số 7.000 xe công thừa ra từ năm ngoái đến nay, vẫn chưa xử lý được. Hiện, Bộ vẫn đang chờ các bộ ngành, địa phương rà soát, báo cáo. Bộ Tài chính vẫn sẽ trình Chính phủ, khi có cụ thể được số lượng xe thừa, sẽ điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu những xe vẫn còn sử dụng tốt. Số còn lại sẽ thanh lý qua hình thức bán đấu giá”, ông Trần Đức Thắng- Cục trưởng Cục Quản lý Công sản cho biết.

Xung quanh vấn đề thực hiện mua sắm tập trung đối với tài sản công, Bộ Tài chính cho biết đã ban hành Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc) bao gồm: Xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (trừ xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước); Xe ô tô phục vụ công tác chung tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Xe ô tô chuyên dùng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị (trừ xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, xe ô tô chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân).

Theo kinh nghiệm quốc tế, danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia được xác định phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý của mỗi nước. Trong đó, một số nước lựa chọn danh mục gồm vài chục mặt hàng từ tài sản có giá trị nhỏ như giấy, bút,... đến những tài sản có giá trị lớn như máy móc thiết bị, xe ô tô thậm chí cả dịch vụ đi lại, dịch vụ thuê hội trường để tổ chức hội thảo, hội nghị,… Tuy nhiên, để triển khai được quy mô như thế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Hệ thống pháp luật, hệ thống thông tin, thị trường cung cấp tài sản, tổ chức bộ máy, nhân sự,… và đều phải trả qua một quá trình từ 3-5 năm. Việc tổ chức mua sắm tập trung theo cách thức quy định của Luật đấu thầu năm 2013, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg, Thông tư số 35/2016/TT-BTC là cách thức mới ở Việt Nam; do vậy quá trình thực hiện cần phải có lộ trình. Ban đầu, Bộ Tài chính dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ 4 mặt hàng (xe ô tô, máy phô tô, máy tính và máy in). “Để phù hợp với điều kiện hiện nay ở nước ta, mặt hàng xe ô tô là mặt hàng sử dụng phổ biến có tiêu chuẩn, định mức rõ ràng được xã hội quan tâm để thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia. Qua quá trình triển khai thực hiện sẽ rút kinh nghiệm và sẽ bổ sung các mặt hàng mới phù hợp với thực tế của đất nước tại từng thời kỳ”- ông Thắng thông tin.

Được biết, số xe ô tô hiện nay thuộc tài sản nhà nước là 37.960 chiếc, nằm tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, chưa tính đến xe của lực lượng vũ trang như quân đội, công an và doanh nghiệp Nhà nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần