Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình 135 được triển khai tập trung tại 683 xã thuộc 8 tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh. Trong đó, có 465 xã đặc biệt khó khăn, 102 xã biên giới, 116 xã an toàn khu, 889 thôn đặc biệt khó khăn.
Trong 4 năm qua, tổng nguồn lực được bố trí để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số Đông Bắc Bộ thuộc Chương trình 135 là hơn 7.360 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 5.440 tỷ đồng, đã phân bổ hơn 4.314 tỷ đồng; ngân sách địa phương là trên 1.919 tỷ đồng.
Đến nay, đời sống kinh tế - xã hội các xã, thôn đặc biệt khó khăn khu vực Đông Bắc Bộ đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 - 4%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 - 2 lần so với đầu giai đoạn.
Kết cấu hạ tầng (giao thông, y tế, giáo dục...) được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của người dân; 100% xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi mới, các hộ nghèo, cận nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, kinh nghiệm sản xuất. Qua đó, tác động không nhỏ đến quá trình thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình 135 tại các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới. Đơn cử như việc triển khai Chương trình tại một số địa phương còn chậm, lúng túng. Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao...