70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam: Bước tiến dài khẳng định vị thế

Vũ Văn Cảnh - Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 70 năm, ngày 15/3/1953, tại Thái Nguyên - “Thủ đô gió ngàn Việt Bắc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh “Thành lập DN Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”.

Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển và định rõ hướng đi cho Nhiếp ảnh Việt Nam. Đồng thời là cơ sở, tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ của hai ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam sau này.

Tham gia đắc lực phục vụ kháng chiến

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Hồ Sỹ Minh và các đại biểu chụp ảnh tại buổi gặp mặt các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023). Ảnh: Trần Minh
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Hồ Sỹ Minh và các đại biểu chụp ảnh tại buổi gặp mặt các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023). Ảnh: Trần Minh

Hồi đó, khu vực Định Hóa, Thái Nguyên được gọi là ATK (An toàn khu). Bác Hồ làm việc tại đồi Khâu Tý, đồng chí Trường Chinh đóng ở Điềm Mặc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt đại bản doanh tại Khâu Hấu.

Các cơ quan T.Ư đóng rải rác tại khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, trong đó có Phòng Điện - Nhiếp ảnh thuộc Nha Tuyên truyền Văn nghệ.

Đời sống kháng chiến hết sức khó khăn, những người làm công tác Nhiếp ảnh vô cùng thiếu thốn, để làm ra một bộ ảnh cỡ 13x18cm hoặc lớn hơn một chút là 18x24cm cũng hết sức vất vả.

Nhưng với những bộ ảnh đó, Nhiếp ảnh đã đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, tham gia phục vụ kháng chiến, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.

Với sự kiện này, khu vực Đồi Cọ thuộc bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được công nhận là Khu di tích lịch sử kháng chiến. Địa danh này đã đi vào lịch sử của giới Văn nghệ - Tuyên huấn trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Cũng từ sự kiện này, ngày 16/12/2002, Nhà nước đã quyết định chính thức lấy ngày 15/3 hằng năm làm Ngày Truyền thống của Nhiếp ảnh Việt Nam.

Năm nay, giới Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, là dịp để bày tỏ lòng biết ơn và tri ân với lớp nghệ sĩ nhiếp ảnh đàn anh ở Đồi Cọ năm xưa, lớp người khởi nghiệp từ đây để rồi trưởng thành ở khắp các chiến trường trong cả nước.

Cũng bắt đầu từ lớp nhiếp ảnh đàn anh này, chúng ta có các thế hệ nhiếp ảnh hôm nay. Đây là một đặc thù, một sự vận động hết sức lý thú trong sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam.

Nhiếp ảnh Việt Nam chính thức ra đời ngày 14/3/1869, mà công đầu thuộc về danh nhân nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ, một quan chức của triều Nguyễn. Ông là người đầu tiên đưa Nhiếp ảnh vào Việt Nam.

Cùng với đó là sự đóng góp truyền nghề của danh nhân nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, một thợ ảnh ở làng Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội). Nhưng, khi nói đến Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam, thì phải bắt đầu từ các Hội Ái hữu thợ ảnh ở Hà Nội, Sài Gòn vào những năm 1937 - 1938, phát triển mạnh mẽ từ khi có Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam trong giới Nhiếp ảnh.

Chi bộ đầu tiên trong giới Nhiếp ảnh được thành lập vào mùa Đông năm 1938 tại gác 2 hiệu ảnh Photo Dân Chúng - Hà Nội, do đồng chí Ngô Lê Động, một nhà nhiếp ảnh làm Bí thư Chi bộ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy Hà Nội.

Nền Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đã thực sự bùng nổ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, toàn quốc kháng chiến, rồi phát triển trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Các bức ảnh tiêu biểu của Nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn này hầu hết là đề tài chiến tranh và cách mạng. Rất nhiều tác phẩm ảnh quý trở thành tư liệu vô giá, là bằng chứng lịch sử và là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trước những kẻ thù tàn bạo, trong số đó, nhiều tác phẩm đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Cho đến hôm nay, bao nhiêu năm đã trôi qua, vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi chúng ta hình ảnh lễ Thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo lịch sử, hình ảnh đội quân xông lên đánh chiếm Bắc Bộ phủ tháng 8/1945, cây gậy trong tay người chiến sĩ thành đồng Tổ quốc, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ ở Mặt trận Đông Khê…

Đó là những dấu mốc lịch sử, đó là hình ảnh Việt Nam, tư thế của người chiến sĩ tạc vào lịch sử được các nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại.

Làm phong phú đời sống văn hóa, văn nghệ

Sau ngày thống nhất đất nước, lực lượng nhiếp ảnh cả nước được tập hợp và tổ chức lại. Từ 30 người hoạt động nhiếp ảnh ở Đồi Cọ năm xưa, đến nay đã có hàng nghìn người hoạt động trên lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí, văn hóa thể thao du lịch, nhiếp ảnh nghệ thuật và dịch vụ, kinh doanh ngành ảnh.

Du khách tham quan triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” 2022. Ảnh: Ngọc Tú
Du khách tham quan triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” 2022. Ảnh: Ngọc Tú

Đó là một lực lượng xã hội đáng kể với một thị trường nhiếp ảnh rộng lớn. Riêng lĩnh vực ảnh nghệ thuật, ống kính máy ảnh hướng về đề tài phục vụ xây dựng cuộc sống mới.

Phải nói rằng, chưa bao giờ ảnh nghệ thuật nước ta phát triển và giành được nhiều thành tựu ngoạn mục như trong giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói: “Nhiếp ảnh Việt Nam đã tự vươn lên khẳng định mình”.

Tiếp thu truyền thống của Đoàn Nhiếp ảnh thuộc Văn nghệ Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc (1949), Ban Liên lạc Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1958), Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam chính thức thành lập ngày 8/12/1965 với 71 hội viên sáng lập.

Cho đến nay, Hội đã có trên 1.000 hội viên, với 3 thế hệ cầm máy, sinh hoạt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là lực lượng nòng cốt trong hoạt động sáng tác nhiếp ảnh của đất nước ta.

Năm 1991, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trở thành thành viên của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP), một tổ chức có uy tín của các nhà hoạt động nhiếp ảnh trên thế giới.

Hiện nay, cứ hai năm một lần, với sự bảo trợ của FIAP, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Triển lãm ảnh quốc tế tại Việt Nam. Qua 12 lần tổ chức, Triển lãm quốc tế tại Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Cùng với đó hàng năm có hàng trăm nhà nhiếp ảnh Việt Nam gửi ảnh dự thi tại các quốc gia trên khắp các châu lục, ngoài việc quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới, đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, họ còn mang về cho đất nước hàng trăm Huy chương Vàng, Bạc, Đồng và giải thưởng các loại. Sau hơn 30 năm tham gia tổ chức này, đến nay ta đã có hơn 200 nhà nhiếp ảnh được mang các tước hiệu của FIAP.

Hiện nay, hàng năm Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức, phối hợp tổ chức, bảo trợ cho 40 - 60 cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp toàn quốc, bộ ngành, khu vực và địa phương trong cả nước.

Cùng với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, gần 80 Chi hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh T.Ư, các Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, hệ thống các câu lạc bộ (CLB) nhiếp ảnh ở các địa phương tạo nên một đội ngũ nhiếp ảnh vô cùng phong phú.

Đáng chú ý như CLB Hải Âu, CLB Gia Định, CLB Chiến sĩ (TP Hồ Chí Minh), CLB Nhiếp ảnh Người cao tuổi, CLB Thăng Long (Hà Nội)... Đây thực sự là chủ thể sáng tạo góp phần làm phong phú đời sống văn hóa văn nghệ ở địa phương và toàn quốc.

Ngoài việc trưng bày triển lãm, ảnh được sử dụng rộng rãi trong việc tuyên truyền báo chí, xuất bản và đặc biệt là nhiếp ảnh đã hiện diện trong mỗi gia đình, từ việc lưu giữ kỷ niệm ngày sinh, ngày cưới đến tang lễ, gặp gỡ người thân, tham quan du lịch.

Phải nói rằng, Nhiếp ảnh làm cho cuộc sống của con người phong phú hơn, có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và giáo dục thẩm mỹ cho quần chúng Nhân dân, đúng như tinh thần Sắc lệnh 147/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành cách đây 70 năm.

70 năm qua, Nhiếp ảnh Việt Nam đã có những bước tiến dài. Vị thế của Nhiếp ảnh Việt Nam trên trường quốc tế từng bước được nâng cao. Mặc dù vẫn còn những vấn đề cần phải nỗ lực phấn đấu nhưng những chặng đường đã qua của Nhiếp ảnh Việt Nam thật đáng tự hào.

 

Ngày truyền thống của Nhiếp ảnh Việt Nam là dịp để nhìn lại cái được và chưa được, đúc kết thành bài học bổ ích, giúp cho những người hoạt động nhiếp ảnh đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, tạo ra nhiều tác phẩm mới, góp phần tích cực trong việc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.