75 năm toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021): Quyết tâm giành độc lập của dân tộc Việt Nam

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tròn 75 năm, độ dài thời gian quá đủ để giúp chúng ta cảm nhận rõ hơn “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa !” (Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

LTS: Trong 12 tháng quý báu (từ 1/1 đến 19/12/1946), Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã không ngưng nghỉ cố gắng hết mình, cả bằng hành động thiết thực và lời nói chân thành nhằm hướng tới một nền hòa bình độc lập đích thực cho đất nước nhân dân Việt Nam. Qua bài viết, tác giả xin nêu một số sự kiện tiêu biểu trước và sau khi Việt - Pháp ký kết Hiệp định 9/3/1946.
 Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh sưu tầm
Ngày 1/1/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Tuyên bố chính sách của Chính phủ liên hiệp lâm thời về đối nội, đối ngoại và kêu gọi toàn thể nhân dân ủng hộ để Chính phủ có thể đi đến thành công.
Về mối quan hệ Việt - Pháp, ngày 6/1/1946 tiếp nhà báo P.M Đétxanhgiơ - phóng viên báo La Résistance, Người nói: “Chúng tôi không có hận thù gì với nước Pháp và Nhân dân Pháp. Chúng tôi khâm phục và không muốn phá vỡ những quan hệ đã gắn bó chặt chẽ hai dân tộc chúng ta. Nhưng chúng tôi yêu cầu nước Pháp phải đi trước một bước trung thực và cụ thể… Nhưng các bạn cũng nên biết rằng, chúng tôi quyết tâm chiến đấu đến cùng nếu chúng tôi buộc phải chiến đấu”.
Ngày 18/1, Liên Hợp Quốc họp ở London, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ H. Tơruman, Người lên án hành động tái xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp và yêu cầu Tổng thống “can thiệp ngay lập tức và có giải pháp để nhân dân Việt Nam thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đó”… “Cộng hoà Việt Nam chúng tôi sẽ có đủ khả năng góp phần xây dựng nền hoà bình và thịnh vượng chung trên thế giới”.
Ngày 19/1, Người tiếp các phóng viên Việt Nam và một số phóng viên Pháp. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp, Người nói rõ quyết tâm giành độc lập của dân tộc Việt Nam và khẳng định đó là một mong muốn chính đáng, “cũng như dân Pháp mong muốn độc lập khi bị Đức chiếm đóng''. Người tỏ ý tin tưởng rằng “nước Pháp không thể nào trở lại thống trị nước Việt Nam một lần nữa, vì nước Pháp ngày nay không như xưa, cũng như nước Việt Nam bây giờ không phải là nước Việt Nam ngày trước”… "Nhân dịp các bạn tân văn ký giả ngoại quốc hỏi đến, tôi xin đem câu trả lời của tôi công bố ra cho đồng bào trong nước và nhân sĩ các nước ngoài đều biết''...
''Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành''…. ''Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam... Rất mong nhân sĩ nước ngoài và đồng bào trong nước rõ cho".
Ngày 21/1, Người trả lời phỏng vấn của Ăngđrê Blăngsê - phóng viên báo Pháp Le Monde: “Nền độc lập của chúng tôi phải được công nhận. Nếu nước Pháp tiến hành chiến tranh với chúng tôi, có nghĩa là họ không muốn công nhận nền độc lập của chúng tôi, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm ấy... Nếu nước Pháp công nhận nền độc lập của chúng tôi, tôi sẵn sàng tổ chức những cuộc biểu tình để cảm ơn nước Pháp...".
Ngày 8/2 lúc 17 giờ, tại một phòng nhỏ trong Bắc Bộ phủ, Người tiếp tướng Pháp Raun Xalăng đến cảm ơn Người đã tới thăm binh sĩ Pháp điều trị tại bệnh viện Đồn Thuỷ và Phủ Doãn ngày 2/2 (mồng Một Tết Bính Tuất) vừa qua, Người nói: "Tôi là người bạn trung thành của nước Pháp. Hôm đó là ngày Tết Nguyên Đán. Tôi vui mừng được có dịp bày tỏ tình cảm của tôi đối với nước Pháp. Ngài hãy tin ở tôi. Phần lớn người Đông Dương không bài Pháp. Nhưng rất tiếc, những sự kiện ở Nam Bộ và thái độ của Chính phủ Pháp đang khơi cái hố giữa các ngài và chúng tôi...".
Về đề nghị của tướng R. Xalăng "để quân đội Pháp vào lập lại trật tự" cho Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tôi không thể làm như vậy. Nếu làm như vậy, tôi sẽ là kẻ phản quốc -Người nói tiếp “Pháp là một nước lớn. Chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng không muốn làm nô lệ, chúng tôi muốn sống tự do. Chúng tôi muốn có quan hệ rất nhiều về kinh tế với Pháp. Chúng tôi muốn có những quan hệ rộng lớn nữa về văn hoá. Chúng tôi muốn có những cán bộ chuyên viên kỹ thuật người Pháp trên mọi lĩnh vực. Nhưng chúng tôi phải là chủ nhân trên đất nước chúng tôi...".
Trước khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tướng R. Xalăng: "Tôi biết tướng quân là một người nhân hậu. Buổi chiều nay, chúng ta đã là bạn. Ngày mai có thể chúng ta sẽ là thù. Tôi mong chúng ta vẫn mãi sẽ là bạn".
Ngày 16/2, Người gửi thư đến Tổng thống Mỹ H. Tơruman cảm ơn Tổng thống và Nhân dân Mỹ "về sự quan tâm có lợi cho các dân tộc thuộc địa mà các đại diện của Ngài tại tổ chức Liên hợp quốc đã bày tỏ". Sau khi tố cáo thực dân Pháp, vì muốn lập lại ách thống trị của họ ở Việt Nam, đang tiến hành một cuộc chiến tranh "tàn sát và không thương xót", một cuộc chiến tranh "trái với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trái với những cam kết của các nước Đồng minh trong chiến tranh thế giới", "một mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh thế giới", Người nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do”... “An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc, với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi... Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”.
Ngày 5/3 lúc 12 giờ 30 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Hoàng Minh Giám gặp J.Xanhtơny và L.Pinhông tiếp tục tranh luận về những điều khoản của Hiệp định Việt-Pháp. Đến 13 giờ 30 những điều khoản của Hiệp định đã đạt được. Hai bên hẹn gặp lại nhau hồi 16 giờ 30 cùng ngày để ký kết chính thức. Hiệp định Sơ bộ 6-3 khẳng định nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội, tài chính của mình; việc hợp nhất ba Kỳ do nhân dân Việt Nam trực tiếp giải quyết. Phát biểu với những người dự Lễ ký kết, Người nói: “Chúng tôi không thoả mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn.."..
Ngày 7/3 lúc 16 giờ, tại cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Hiệp định Sơ bộ 6/3: “Nước ta đã độc lập thực sự từ tháng 8 năm 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị... Đồng bào hãy nên bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật..". Im lặng giây lát, Người tuyên bố: “Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”.
Ngày 15/3 với bút danh Q.T, Người viết bài ''Phải đình chỉ ngay những cuộc đánh úp tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ'', đăng trên báo Cứu quốc, số 187, lên án thực dân Pháp vi phạm Hiệp định sơ bộ, kêu gọi binh lính Pháp hãy ngừng bắn vào đồng bào và bộ đội Việt Nam, đồng thời kêu gọi các chiến sĩ Việt Nam luôn luôn sẵn sàng và quyết tâm chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc, nếu người Pháp định lừa bịp và không thành thực ký kết với ta theo nguyên tắc bình đẳng.
Bài báo kết luận: "Tóm lại, muốn Việt - Pháp đi tới chỗ thoả thuận có lợi cho cả đôi bên, người Pháp phải thành thực từ lời nói cho chí hành động, theo đúng bản Hiệp định đã ký mà đình chỉ ngay những cuộc xung đột ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ".
Trước ngày 25/4 tiếp phóng viên hãng AFP (Pháp), Người kêu gọi người Pháp phải thi hành đúng Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3 và tuyên bố: “Nước Việt Nam, một quốc gia không thể nhận những quyết nghị của một Chính phủ chỉ huy như chế độ toàn quyền Đông Dương cũ”.
Ngày 26/5, Người cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh, Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ quân sự cấp cao dự Lễ khai giảng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tại Sơn Tây.
Sau khi trao tặng nhà trường lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân”, Người căn dặn: “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, là mục đích của anh em, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”.
Ngày 31/5 Người viết thư gửi đồng bào Nam Bộ, hứa với đồng bào rằng "Hồ Chí Minh không phải là người bán nước", khẳng định “đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”
Ngày 31/5 lúc 6 giờ tại sân bay Gia Lâm, Người cùng phái đoàn Việt Nam và hai tướng Valuy, Xalăng duyệt đội quân danh dự của Việt Nam và Pháp. Trước lúc lên máy bay, Người nắm tay Cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi)”.
Sau đó, Người nói với các thành viên trong đoàn công tác sang Pháp trước những đại biểu đưa tiễn: “Anh em chúng ta mang trọng trách quốc gia, trước mặt quốc dân đồng bào, chúng ta phải thề dù gặp gian lao thế nào, chúng ta cũng phải nhất tâm đoàn kết để làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc”. Tất cả đồng thanh hô: “Xin thề!”.
Và như cả thế giới đã biết, dã tâm thực dân Pháp muốn cướp nước ta một lần nữa. Đêm 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa ! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.