77 năm Quốc khánh 2/9 (1945-2022): Việt Nam đang bước ra biển lớn đầy đĩnh đạc

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên chặng đường 77 năm qua, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế và uy tín của đất nước, tiến những bước dài trên con đường hội nhập sâu rộng cùng thế giới.

Ngày 2/9 cách đây 77 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sự kiện trọng đại này là mốc son chói lọi trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta.

Đi lên bằng ý chí quật cường

Như PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã phân tích, với những ngôn từ đanh thép, cứ liệu khoa học và cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định độc lập, tự do là quyền không thể chối cãi của bất kỳ một dân tộc nào và khẳng định "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập".

Những câu nói đó của Bác trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 không chỉ có ý nghĩa ở thời điểm đó, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị bền vững, xuyên suốt. Ngay đến bây giờ, kể cả sau này, câu chuyện độc lập, tự do, hạnh phúc vẫn là khát vọng của tất cả mọi người, trong đó có dân tộc Việt Nam.

Tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập mùa Thu năm 1945 đã truyền lửa cách mạng cho dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ảnh minh họa
Tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập mùa Thu năm 1945 đã truyền lửa cách mạng cho dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ảnh minh họa

Chặng đường 77 năm qua dẫu đầy gập ghềnh, chông gai, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập mùa Thu năm 1945 đã truyền lửa cách mạng cho dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thành quả to lớn nhất là chiến thắng các thế lực đế quốc ngoại xâm, giải phóng đất nước. Như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định, đây là thành công rất lớn, ít quốc gia nào đạt được. Thành quả tiếp theo là thực hiện được công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Hơn 35 năm đổi mới đã đưa đất nước lên tầm cao mới, có vị thế mới, hội nhập cùng thế giới.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử đã luôn khẳng định ý chí quật cường, bản lĩnh vươn lên mạnh mẽ, không khuất phục trước khó khăn. Ngay sau khi giành được độc lập, trong thư gửi các em học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm khát vọng về một Việt Nam có thể “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”. Trong 77 năm qua, con đường để thực hiện mong ước, khát vọng của Bác về một Việt Nam “giàu mạnh” đã được gìn giữ, nuôi dưỡng trở thành động lực và hành động thôi thúc chúng ta trăn trở, suy nghĩ và hiện thực hóa ước mơ xây dựng đất nước cường thịnh.

Việt Nam bước ra từ chiến tranh, những năm đầu xây dựng lại đất nước chỉ bắt đầu với mong ước nhỏ là "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành", đã đi lên mạnh mẽ. Như trong các Nghị quyết của Đảng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Điểm lại những thành quả của đất nước, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, sau hơn 35 năm đổi mới, tăng trưởng kinh tế luôn giữ ở mức rất cao, bình quân tăng trưởng 6,6% một năm, có năm đạt trên 8,4%...; nhiều năm được đánh giá là một trong những nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

Đặc biệt, trong năm 2020, 2021, dù chịu tác động của dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (năm 2020 là 2,91%, năm 2021 là 2,6%, 6 tháng đầu năm 2022 bứt phá mạnh mẽ lên mức tăng 6,4%). Nếu năm 1988, thu nhập bình quân đầu người của nước ta mới chỉ đạt 86 USD/người/năm, nhưng đến nay đã tăng lên mức gần 2.800 USD/người...

Diện mạo đất nước ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Ảnh: Duy Linh
Diện mạo đất nước ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Ảnh: Duy Linh

Các TP phát triển theo mục tiêu đô thị hiện đại, văn minh, thông minh và đáng sống; nông thôn khởi sắc cùng chương trình xây dựng nông thôn mới. Thành quả phát triển kinh tế - xã hội đã mang lại những thay đổi rõ nét cho đất nước, lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao mức sống, chất lượng sống của người dân trên mọi miền Tổ quốc.

Nâng tầm vóc và vị thế

Như nhiều chuyên gia nhận định, đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu và 77 năm sau ngày độc lập, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường hội nhập và phát triển. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế-phát triển hàng đầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…. Đặc biệt, chúng ta đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA “thế hệ mới” như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có thể nói rằng, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên khi chúng ta đã bước vào “sân chơi” lớn. Đến nay, Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu.  Đồng thời, là điểm đến, nơi tổ chức của nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, thể thao lớn của khu vực và thế giới… Nhìn nhận về thành công trong công cuộc đổi mới tại Việt Nam, nhiều nhà phân tích có chung quan điểm: “Vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao và Việt Nam đang tạo ra những thế mạnh mới để một lần nữa cất cánh”.

Tự hào về quá khứ, vui mừng với hiện tại, mỗi người dân hướng tới 77 năm ngày Quốc khánh 2/9 với những niềm kỳ vọng riêng, nhưng trên hết đều mong rằng triển vọng đi lên của đất nước không chỉ dừng lại ở những gì đã và đang có. Thành tựu trong 77 năm qua đó chính là hành trang để tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, sáng tạo, hành động mạnh mẽ và quyết liệt, giúp đất nước vững bước hội nhập và phát triển hơn nữa.

 

77 năm qua, có thể nói rằng, đất nước đã phát triển vượt bậc về nhiều mặt, khẳng định được tầm vóc, vị thế của mình. Tuy nhiên, vẫn còn những điều chúng ta phải trăn trở, phải làm tốt hơn nữa, đặc biệt là công tác cán bộ, bởi như Bác Hồ đã nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Nhìn về quá khứ không chỉ để hun đúc thêm niềm tự hòa mà còn để thế hệ đi sau, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên thấu hiểu hơn những cống hiến, sự hy sinh vì dân vì nước của thế hệ trước, từ đó biến sự hiểu biết ấy thành hành động, biến khát vọng thành chiến thắng, khắc phục cho được những điều cản trở sự phát triển.

PGS. TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)