Phun nước lên kính
Khi đi đường trường, việc phun nước lên kính cũng sẽ giúp ô tô giảm nhiệt một phần. Nếu không có sẵn vòi nước, bạn có thể bật chế độ rửa kính để nước phun kính. Ngoài ra, nên điều chỉnh nhiệt độ điều hòa trong xe phù hợp với nhiệt độ bên ngoài, không nên quá chênh lệch để tránh sốc nhiệt khi bước ra ngoài, dễ gây mệt mỏi, khó chịu, đặc biệt là với trẻ em và người già.
Điều chỉnh điều hoà đúng cách
Theo nguyên lý thì khí nóng sẽ bay lên, còn khí mát tụ bên dưới. Do vậy khi bước vào xe, các bác nên bật điều hòa ở chế độ quạt gió ở cường độ cao rồi chĩa hướng gió xuống dưới chân. Lưu ý, chỉ cần mở một phần cửa sổ để luồng khí nóng nhanh chóng bay ra khỏi khoang nội thất. Khi thấy nhiệt độ đã bắt đầu giảm, hãy chuyển sang bật điều hòa AC.
Mở, đóng cửa liên tục
Các vật liệu tổng hợp trong nội thất xe khi bị tăng nhiệt không chỉ gây khó chịu cho người ngồi, mà còn sinh ra các mùi khó chịu, độc hại. Chính vì thế, việc mở hết các cửa của ô tô ra rất cần thiết, vừa giúp hạ nhiệt. làm mát cho xe mà, vừa giúp các khí độc hại thoát hết ra bên ngoài.
Kinh nghiệm từ các tài xế lâu năm cho biết, việc đóng/mở cửa liên tục sẽ giúp giảm nhiệt độ không khí bên trong xe ô tô một cách hiệu quả khi đỗ lâu dưới trời nắng. Họ coi khoang nội thất là một ống xi lanh, mở cửa bên phụ sẽ là đầu ra đồng thời đóng, mở cửa bên lái khoảng 5 đến 6 lần trong 30 giây sẽ giúp ô tô đẩy đáng kể luồng khí nóng ra khỏi xe.
Khởi động máy khoảng 5 phút trước khi vào xe
Sau khi đã đẩy bớt luồng khí nóng ra ngoài bằng cách đóng/mở cửa liên tục như vừa hướng dẫn ở trên, trước khi vào xe, bạn nên khởi động động cơ và bật điều hòa ở mức 25 đến 26 độ để không khí trong xe trở nên dịu mát hơn.
Tránh nắng cho vô lăng và cần số
Vô lăng và cần số là những bộ phận mà người lái sẽ sử dụng ngay khi bước vào xe. Do đó việc tránh nắng cho 2 bộ phận này là rất cần thiết nếu bạn muốn có thể sử dụng ngay mà không bị nóng.
Ánh nắng xuyên qua kính lái chiếu vào vô lăng sẽ khiến cho bộ phận này trở nên rất nóng. Do vậy khi đỗ xe dưới trời nắng, các bác nên phủ lên bề mặt vô lăng một chiếc khăn để tránh ánh nắng trực tiếp từ ngoài trời.
Tương tự vô lăng, cần số cũng là bộ phận bắt nắng, dẫn nhiệt rất nhanh. Để đề phòng, trước khi rời khỏi xe, các bác nên đặt một chiếc khăn ướt lên cần số. Lưu ý, chỉ sử dụng những loại khăn có nồng độ chất tẩy rửa thấp để bảo vệ bề mặt.
Sử dụng ghế làm mát/bọc ghế
Nếu ghế trên xe của bạn có chức năng làm mát (thường có trên các xe hạng sang), hãy sử dụng nó ngay, còn nếu không, bạn có thể mua ghế làm mát (đúng hơn là bọc ghế làm mát) cắm điện (ở lỗ cắm tẩu). Việc này có thể khiến bạn ngồi cao hơn, không bám dính trực tiếp lên mặt ghế gốc của xe. Hoặc bạn có thể sử dụng bọc ghế mỗi khi đỗ xe dưới trời nắng.
Phủ bạt lên xe
Thân vỏ ô tô được làm từ kim loại nên hấp thụ nhiệt, khiến cho không gian bên trong nội thất nóng như một chiếc lò đun sôi nếu đậu dưới trời nắng gắt, đặt biệt là khi đóng kính cửa. Việc phủ bạt lên toàn bộ bề mặt xe sẽ giúp cho phần vỏ bên ngoài ít có "cơ hội" tiếp xúc với ánh nắng, từ đó hạn chế tình trạng hấp thụ nhiệt.
Kết hợp với đó, bạn có thể che nắng bằng các tấm phản quang cho những chi tiết nội thất tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như bảng táp lô, vô lăng, ghế ngoài.
Dán phim cách nhiệt
Sử dụng phim cách nhiệt để giảm bức xạ nhiệt khi lái xe vào mùa hè. Sử dụng phim cách nhiệt ô tô giúp ngăn ánh nắng chiếu vào khoang xe và làm giảm nhiệt độ khi đậu xe hoặc di chuyển dưới trời nắng.
Lưu ý, xe đỗ lâu dưới trời nắng gắt thì ngay khi bước vào bên trong xe, chúng ta không nên đóng kín cửa và bật điều hòa ở cường độ cao vì nhiệt độ giảm đột ngột sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây nứt kính xe, gây sốc nhiệt cho người ngồi bên trong. Ngoài ra, việc làm này cũng sẽ khiến động cơ phải hoạt động với công suất cao, gây tốn nhiên liệu.