8 công trình văn hóa xây mới tại TP Hồ Chí Minh gồm công trình gì?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 8 dự án công trình văn hóa tại TP Hồ Chí Minh, có 6 dự án dự kiến tổng mức đầu tư hơn 8.344 tỷ đồng. Đến nay mới chỉ có 1 công trình sắp hoàn thành là Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

Chiều 12/4, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát tình hình đầu tư và hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa trên địa bàn TP đối với Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT).

Ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở VH&TT đã báo cáo với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh về tiến độ thực hiện 8 dự án công trình văn hóa xây dựng mới.

Theo đó, 8 công trình văn hóa, gồm: Trung tâm văn hóa (TTVH) TP được UBND TP cho phép xây dựng mới từ năm 2017, theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).

Ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh cho biết dự án Bảo tàng Tôn Đức Thắng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.
Ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh cho biết dự án Bảo tàng Tôn Đức Thắng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.

Theo ông Nam, vào tháng 5/2021, Sở VH&TT có tờ trình kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép xây dựng mới TTVH mới tại khu đất 1,8ha trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Tuy nhiên, sau đó Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng dự án này chưa được TP chấp thuận chủ trương giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14. Vì vậy ngày 19/1/2022, Sở VH&TT đã kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư xây dựng mới TTVH TP với diện tích 1ha, tại khu vực Bến cảng Sài Gòn để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đạt tiêu chuẩn.

Công trình văn hóa thứ hai là Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 03/NQ-HĐND ngày 16/3/2018, và được UBND TP phê duyệt tại quyết định 4707/QĐ-UBND ngày 31/10/2019. Tổng mức đầu tư công trình này dự kiến trên 1.395 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018-2022, xây trong trường đua Phú Thọ (phía đường Lữ Gia, phường 15, quận 11). Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp (Ban DD&CN). Quy mô rạp xiếc có 2.000 chỗ ngồi và phòng tập luyện đa năng 300 chỗ. Về tiến độ dự án, theo Sở VH&TT sẽ chuẩn bị khởi công trong năm 2023.

Công trình thứ ba là xây mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tại số 5 Tôn Đức Thắng (phường Bến Nghé, quận 1). Dự án có tổng mức đầu tư 275,793 tỷ đồng, quy mô gồm công trình chính (1 tầng hầm, 4 tầng nổi), và công trình phụ trợ với tổng diện tích 6.021m2. Dự án khởi công vào ngày 12/10/2020, đến nay công trình đã hoàn tất phần thô các sàn, cất nóc công trình. Hiện nay đang bước vào giai đoạn thi công nội thất văn phòng và hạng mục thiết kế trưng bày, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Tại buổi khảo sát đối với Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu đề nghị không nên đầu tư dàn trải để tránh lãng phí.
Tại buổi khảo sát đối với Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu đề nghị không nên đầu tư dàn trải để tránh lãng phí.

Công trình thứ tư là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, được xây trên diện tích 2,7ha nằm trong trường đua Phú Thọ. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.020 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2023-2028, chủ đầu tư là Ban DD&CN. Mới đây, vào ngày 7/4, Sở VH&TT đã có báo cáo trình HĐND và UBND TP. Đồng thời gửi tờ trình đến Sở KH&ĐT để đề xuất sớm thẩm định, trình UBND và HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư; bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để thực hiện dự án. 

Công trình văn hóa thứ năm là Bảo tàng TP Hồ Chí Minh được UBND TP chấp thuận chủ trương xây dựng tại Khu thông tin giới thiệu chung - Thắng cảnh Việt Nam thu nhỏ thuộc khu I (khu cổ đại) trong Khu Công viên lịch sử văn hóa dân tộc (quận 9), có diện tích 8ha. Dự kiến, tổng mức đầu tư 2.622 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án vẫn là Ban DD&CN. 

Ông Võ Trọng Nam cho biết, đối với dự án này Sở VH&TT đã đề xuất Sở KH&ĐT tham mưu UBND TP trình HĐND TP chấp thuận chủ trương bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Dự án thứ sáu, mở rộng Công viên Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tại khu đất số 3 Nguyễn Tất Thành (phường 3, quận 4). Khu đất này hiện do Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (thuộc Bộ Giao thông vận tải) quản lý sử dụng dẫn đến một số vướng mắc. Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho các sở, ngành liên quan: Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT), Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND quận 7…, tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn sớm di dời trụ sở văn phòng điều hành về khu đất diện tích 4.147m2, ở phường Tân Thuận Tây (quận 7) và bàn giao lại khu đất số 3 Nguyễn Tất Thành cho Sở VH&TT thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công.

Công trình văn hóa thứ bảy dự kiến tổng mức đầu tư hơn 2.240 tỷ đồng là Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch (phường Bến Nghé, quận 1). Công trình có quy mô xây dựng 14.703m2, trong đó diện tích tầng hầm (4 tầng) là 52.140m2, diện tích sàn xây dựng (21 tầng) hơn 41.691m2, chiều cao tối đa 82,5m. Chủ đầu tư công trình Nhà văn hóa Thanh niên, dự kiến là Ban DD&CN, thời gian thực hiện từ năm 2023-2028.

Tại buổi khảo sát của HĐND TP Hồ Chí Minh, đại diện Sở VH&TT cho biết, vào ngày 5/4 sở đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trình UBND và HĐND TP. Đồng thời, có tờ trình gửi Sở KH&ĐT để thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư để bố trí vốn trung hạn 2021-2025.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình cho rằng, đầu tư trong lĩnh vực VH&TT vẫn còn thấp.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình cho rằng, đầu tư trong lĩnh vực VH&TT vẫn còn thấp.

Công trình văn hóa thứ tám là Cung Thiếu nhi TP, xây dựng tại khu đất số 5-2 Khu chức năng số 5 -  Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Quy mô dự án 39.911m2, trong đó diện tích cây xanh, đường nội bộ, sân bãi là 27.760m2; diện tích đất xây dựng 12.151m2; tổng diện tích sàn xây dựng 38.012m2. Thời gian thực hiện từ năm 2023-2026, tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 792,7 tỷ đồng, chủ đầu tư là Ban DD&CN.

Tại buổi khảo sát, đại diện Thành đoàn cho biết dự án Nhà Văn hóa Thanh niên có từ 2004, đến nay vẫn chưa triển khai được, do đó khi đã đầu tư thì không nên dàn trải để mang lại hiệu quả.

Còn bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (thành viên đoàn giám sát) cho rằng khi đầu tư trên diện rộng, Sở VH&TT cần tính đến hiệu quả đạt bao nhiêu phần trăm. Bà Diễm Tuyết đồng tình xây dựng TTVH hiện đại, nhưng vẫn lo ngại về nhân sự vận hành TTVH...

Kết luận buổi khảo sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, đầu tư công trong lĩnh vực VH&TT đến nay vẫn còn thấp so với nhu cầu của người dân của một TP lớn. Đặc biệt, việc đầu tư 8 công trình văn hóa, nhưng đến nay vẫn chậm vì nhiều nguyên nhân. Do đó, đề nghị các sở, ngành liên quan cần phối hợp với Sở VH&TT đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ để trình UBND TP và HĐND TP xem xét.