Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

8 năm ghi nhận và gánh nặng của ca trù

Linh Anh - Sơn Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hát Xoan xác lập kỷ lục lần đầu của Việt Nam và thế giới: Từ di sản (DS) cần bảo vệ khẩn cấp trở thành di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện của nhân loại.

Vấn đề không phải DS nào ở Việt Nam cũng như hát xoan, quan họ, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế… biến danh hiệu của UNESCO trao tặng thành niềm vinh dự và đòn bẩy. Với ca trù, sau 8 năm công nhận việc bảo vệ đã trở thành gánh nặng.
Vẫn báo cáo bằng cảm tính

Năm 2009, UNESCO đã vinh danh, công nhận ca trù của Việt Nam là DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp. Đã 8 năm trôi qua, nếu theo con số đong đếm, thì ca trù có vẻ khởi sắc về số lượng nghệ nhân cũng như CLB mở rộng ở nhiều tỉnh, thành nhưng câu chuyện thật đằng sau công tác kiểm kê thì “dở khóc dở cười”.
 Các câu lạc bộ ca trù của Hà Nội đang hoạt động chủ yếu bằng tình yêu nghề.
“Cả Sở VHTT&DL Hưng Yên không có ai là nhạc sĩ hay được đào tạo cơ bản về âm nhạc. Khó có thể kiểm kê, điều tra chính xác được khi mà cán bộ điều tra trực tiếp hầu hết chỉ học về quản lý văn hóa, không am hiểu âm nhạc. Từng có trường hợp nghệ nhân hát văn mà cán bộ kiểm kê vẫn tưởng đó là ca trù” - bà Bùi Thị Phấn - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa Hưng Yên từng chia sẻ trong một hội thảo. Hoặc ở Quảng Bình, một cán bộ địa phương đã nhầm lẫn hát sắc bùa thành hát ca trù. Thực tế này để chứng tỏ con số hàng trăm CLB ca trù, giáo phường, thành viên thực hành ca trù ở các tỉnh, thành chưa hẳn là con số thực.

Đầu năm 2018, Việt Nam phải báo cáo với UNESCO về bảo vệ ca trù ra khỏi tình trạng khẩn cấp. So với hàng loạt DSVHPVT khác như quan họ, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế…, danh hiệu mà ca trù nhận về từ UNESCO có thêm rất nhiều gánh nặng (chứ không chỉ là vinh dự và tự hào). Bởi tình trạng “cần bảo vệ khẩn cấp” gắn kèm với những đòi hỏi cụ thể về chương trình hành động để từng bước đưa di sản thoát khỏi nguy cơ mai một. So với 8 năm trước, ca trù cũng có sự hồi sinh, không đứt đoạn hoàn toàn so với trước đây. 14 CLB và nhóm ca trù (các CLB ca trù Hà Nội, Thái Hà, Lỗ Khê, Đồng Trữ, Ngãi Cầu, Chanh Thôn… ) đang hoạt động tại Hà Nội chính là tâm huyết của bao thế hệ nghệ nhân ca trù tại đất Thăng Long. Ca trù có sân chơi riêng với các cuộc liên hoan toàn quốc và địa phương, được duy trì tại Hà Nội ở các điểm biểu diễn cuối tuần, được nhìn nhận là có đội ngũ kế thừa phong phú hơn - so với những thời điểm chỉ thống kê được khoảng 20 nghệ nhân cao tuổi trên toàn quốc. Nhưng tất cả những nhận định sức sống của ca trù đều đến bằng sự cảm tính, không có định lượng chính xác và lộ trình dài hơi.

Đơn độc bảo vệ

Khi ca trù được công nhận là DSVHPVT thế giới cần bảo vệ khẩn cấp, cả nước cùng chung niềm vui. Tuy nhiên nhiệm vụ đưa ca trù thoát khỏi tình trạng “cần được bảo vệ khẩn cấp” lại mặc nhiên đặt lên vai ngành văn hóa. Rất đáng ngạc nhiên, sau 8 năm kể từ khi nhận danh hiệu của UNESCO, một đề án chiến lược mang tầm quốc gia bảo tồn và phát huy ca trù vẫn chưa hề được xây dựng. Cho dù, theo TS Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu DS văn hóa Việt Nam, việc lập một đề án như vậy đã được giao cho Viện Âm nhạc Việt Nam. “Vấn đề ở chỗ, địa bàn của ca trù trải khắp 14 tỉnh, TP. Và mỗi tỉnh, thực trạng của ca trù lại có những diễn biến hết sức phức tạp và rắc rối. Đó là một khó khăn lớn trong việc bảo tồn ca trù, nếu so sánh với trường hợp tương tự là hát xoan Phú Thọ” - TS Lê Thị Minh Lý chia sẻ.

“Nói thật, đến lúc này tôi nghi ngờ sự chân thành trong lời kêu gọi bảo tồn ca trù khẩn cấp. Nhìn thực tế, tôi thấy các cấp chính quyền dường như không mấy để tâm đến tình trạng thực tế của ca trù” - bà Bùi Thị Phấn đề cập trong hội thảo về bảo tồn DS ca trù mới đây. Theo bà, ở các địa phương hiện nay, việc bảo tồn, phát huy ca trù gần như được coi là việc riêng của Sở VHTT&DL. Hiện nay, lực lượng ca nương, kép đàn quá ít ỏi, quá nửa trong số đó là các nghệ nhân tuổi già, sức yếu, đội ngũ kế cận thì chưa xứng đáng. Nếu như không có bước đột phá trong việc bảo tồn và phát huy, không có chính sách đầu tư hiệu quả, không có cam kết và vào cuộc thực sự của cả cộng đồng thì khả năng ca trù biến mất là chuyện không xa. GS Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tha thiết: “Xin đừng đủng đỉnh bảo vệ khẩn cấp DS nữa!”. Trong ấn tượng của GS Tô Ngọc Thanh vẫn là câu chuyện: “Năm 2014, tôi ghé thăm nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc hai tuần trước khi cây đại thụ của ca trù Hà thành qua đời. Nắm tay tôi, người nghệ nhân 85 tuổi này run rẩy bảo: “Tôi nằm xuống rồi, việc kêu gọi Nhà nước quan tâm đến ca trù trông cả vào ông”. Nghe xong tôi thấy lòng xót xa. Chúng ta kêu gọi bảo vệ ca trù nhiều năm rồi, nhưng vẫn không thể làm được, khiến những nghệ nhân lúc nhắm mắt vẫn không hết đau đáu nỗi lo cho DS”.

“Ngành văn hóa Hà Nội cũng đang chuẩn bị triển khai đề án bảo tồn ca trù. Vậy Hà Nội có sẵn lòng đứng ra làm đầu tàu, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối cùng các địa phương khác để xây dựng một lộ trình chuẩn cho ca trù toàn quốc không", đó là câu hỏi được khá nhiều đại biểu đặt ra tại cuộc tọa đàm mới đây về ca trù do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức. Rõ ràng, với tình trạng bảo tồn, phát triển ca trù một cách cục bộ và có phần manh mún tại các địa phương như vừa qua, sẽ khó lòng để ca trù có được những bước phát triển mạnh về chiều sâu, thay cho chạy theo số lượng.

Bài học từ các di sản khác

Cũng nhận danh hiệu DS cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011, hát Xoan Phú Thọ hiện đã có những bước tiến rất đặc biệt về việc bảo tồn, khôi phục lực lượng nghệ nhân, phổ biến tới công chúng. Để rồi, đúng vào ngày 8/12, hát Xoan nhận tin vui thoát khỏi tình trạng “báo động đỏ” và trở thành DSVHPVT của nhân loại. “Đi sau về trước” so với ca trù, sự khác biệt ấy được giải thích bằng việc hát Xoan chủ yếu được lưu giữ ở địa bàn Phú Thọ và được tỉnh dốc sức để bảo tồn, khôi phục trong 4 năm qua. Nhưng quan trọng hơn, hát Xoan đã kịp thời có đề án bảo tồn, với những chiến lược và kế hoạch thực hiện rõ ràng.

Việt Nam có hơn 10 DS được UNESCO công nhận là DSVHPVT của thế giới, danh hiệu đã trở thành niềm tự hào của các địa phương. Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận cùng thời với ca trù (năm 2009), sau 8 năm các liền anh, liền chị đưa tiếng hát giao duyên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đến với khán giả nước ngoài. Quan họ Bắc Ninh được vinh danh cùng thời điểm với ca trù, nhưng ngay sau đó tỉnh Bắc Ninh đã triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ Bắc Ninh giai đoạn 1 (2010 - 2012) với tổng kinh phí gần 37 tỷ đồng nhằm phát triển dân ca quan họ. Sau 3 năm triển khai, dân ca quan họ đã và đang được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy một cách tích cực, nhưng ca trù dường như chưa được quan tâm đúng mức. Đến năm 2013, tỉnh Bắc Ninh triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù giai đoạn 2013 – 2020” với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng. Hiện nay, không phải chờ đến hội Lim du khách mới được thưởng thức quan họ, tỉnh Bắc Ninh đã chính thức triển khai tổ chức hát quan họ định kỳ hàng tháng phục vụ miễn phí cho du khách. Đây được đánh giá là sáng kiến thiết thực nhằm duy trì sức sống của DSVHPVT đại diện của nhân loại trong đời sống đương đại. Dân ca quan họ Bắc Ninh với sức sống trường tồn, bền bỉ đang hòa trong nhịp thở của thời đại.

Bao giờ ca trù được như quan họ, hát Xoan, nhã nhạc cung đình Huế hoặc đờn ca tài tử… câu hỏi đó vấn vương người làm DS suốt 8 năm nay. Chỉ còn mấy tháng nữa, DS này sẽ phải thực hiện cam kết báo cáo với UNESCO, nếu không đạt được những yêu cầu của UNESCO, một khả năng khác cũng tồn tại trên lý thuyết: Nguy cơ tước bỏ danh hiệu từ UNESCO, nếu DS rơi vào tình trạng tệ hại hơn so với việc “cần bảo vệ khẩn cấp” ban đầu. “Đây không chỉ là lời cảnh tỉnh, mà rất có khả năng thành sự thật nếu cách thức bảo tồn, phát huy DS ca trù diễn ra như hiện nay” - GS Tô Ngọc Thanh bày tỏ.

"Sáng 8/12/2017, di sản hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Quyết định này được đưa ra tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ DSVHPVT lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc (từ 4 - 9/12/2017).

Hầu hết các CLB và người học đang ngắc ngoải theo nghề. Khán giả, không gian biểu diễn, kinh phí hoạt động, cả 3 yếu tố này gần như là con số không tròn trĩnh. Khi có hoạt động thu tiền xem biểu diễn, người ta nghĩ đây là hoạt động kinh doanh. Kinh doanh thì phải tính đến lợi nhuận. Nhưng ca trù thì ngược lại, tiền thu được từ biểu diễn chỉ đủ cho các em mua xăng xe. Kinh phí của các CLB cạn kiệt rồi, nguồn hỗ trợ cũng chưa có. " - Nghệ nhân ưu tú, đào nương Phạm Thị Huệ - Giám đốc CLB ca trù Thăng Long