Theo đó, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm).
Hiện, diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm đạt khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy (tương đương khoảng 1 triệu ha). Sản lượng lúa thơm ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm. Trong khi đó theo Hiệp định EVFTA lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn, tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng. Do vậy tiềm năng xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam còn rất lớn.
Theo Bộ NN&PTNT, nếu thực hiện tốt các quy định của EU và xuất khẩu được 30.000 tấn gạo thơm nói riêng và 80.000 tấn gạo nói chung theo hạn ngạch sang EU với giá bán cao, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Đồng thời sẽ khẳng định được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường khó tính như EU nói riêng và trên thế giới nói chung. Đây sẽ là cơ sở cho việc đàm phán mở rộng hạn ngạch xuất khẩu gạo thơm vào thị trường EU trong thời gian tiếp theo.
Bộ NN&PTNT cho biết thêm, theo quy định tại Hiệp định EVFTA, hiện có 9 giống lúa thơm sau xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan gồm: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo rà soát lại danh mục giống lúa thơm đang trồng phổ biến, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của EU để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung danh mục chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất.