Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

90.000 chỉ tiêu cho lao động Việt ra nước ngoài làm việc

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong năm 2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH sẽ đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Để thực hiện chỉ tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐTB&XH sẽ ổn định và mở rộng thị phần tạo các thị trường ngoài nước đang tiếp nhận lao động Việt Nam. Đồng thời chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài khi thị trường các nước mở cửa trở lại.

Bộ LĐTB&XH sẽ đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022. Ảnh: Internet. 
Bộ LĐTB&XH sẽ đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022. Ảnh: Internet. 

Đồng thời, Bộ LĐTB&XH tăng cường công tác tạo nguồn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; triển khai đồng bộ các chính sách, hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cần nghèo, người lao động sinh sống tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay một số quốc gia đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cho các ngành. Cụ thể, trong năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc tiếp nhận 59.000 lao động nước ngoài theo Chương trình EPS Hàn Quốc. Trong đó, ngành Sản xuất chế tạo 44.500 chỉ tiêu, Nông nghiệp, chăn nuôi 8.000 chỉ tiêu, Ngư nghiệp 4.000 chỉ tiêu, Xây dựng 2.000 chỉ tiêu, Dịch vụ 100 chỉ tiêu.

Bên cạnh việc tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động Chương trình EPS, Hàn Quốc còn có một số chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài: Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc cho phép du học sinh visa D-2 (đến từ một trong 16 quốc gia phái cử lao động EPS) sau khi tốt nghiệp được phép chuyển đổi sang visa E-9 và làm việc lâu dài tại Hàn Quốc. Quy mô chuyển đổi mỗi năm khoảng 5.000 – 6.000 người. Lao động visa giáo sư (E-1) và visa kỹ sư chuyên ngành (E-7) trong thời gian tìm việc có thể được chuyển đổi sang visa E-9 nếu có nguyện vọng.

Chính phủ Hàn Quốc đồng ý cho phép tự động gia hạn thời gian cư trú thêm 1 năm đối với lao động nước ngoài theo Chương trình EPS (visa E-9) có thời điểm kết thúc hợp đồng.

Hiện nay, Bộ Nhân lực Singapore đang thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Singapore các ngành Xây dựng, Hải sản và Chế biến dưới hình thức visa Work Permit. Người lao động ngành Xây dựng được người sử dụng lao động trả mức lương trung bình (lương cơ bản và phụ cấp cố định) là 768 – 840 SGD/tháng; được cung cấp chỗ ở miễn phí, trả chi phí bảo hiểm y tế với mức tối thiểu 15.000 SGD/năm. Cùng với đó, người lao động được hưởng các chế độ ngày nghỉ, ngày lễ, nghỉ phép... theo quy định.

Trong khi đó, cơ quan thẩm quyền của Đài Loan thực hiện tăng lương cơ bản đối với lao động đi làm việc tại Đài Loan theo lộ trình kể từ ngày 1/1/2022. Theo đó, đối với hợp đồng lao động ký kết mà tiền lương cơ bản của người lao động được hưởng theo tháng thì mức lương được điều chỉnh tăng từ 24.000 Đài tệ/tháng lên 25.250 Đài tệ/tháng. Đối với hợp đồng lao động ký kết mà tiền lương cơ bản của người lao động được hưởng theo giờ thì mức lương cơ bản theo giờ được điều chỉnh tăng từ 160 Đài tệ/giờ lên 168 Đài tệ/giờ.