Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

90 năm Đảng bộ Hà Nội và dấu ấn qua các kỳ Đại hội

Hà Bình - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành lập ngày 17/3/1930, đến nay sau 90 năm lãnh đạo toàn diện, Đảng bộ TP Hà Nội đã tổ chức 16 kỳ Đại hội. Cùng với các kỳ đại hội của Đảng bộ các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hà Sơn Bình và các kỳ đại hội Đảng bộ TP là những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước trưởng thành to lớn về công tác xây dựng Đảng, phong trào cách mạng của Đảng bộ TP trong mỗi giai đoạn lịch sử.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tháng 11/2015. Ảnh: Thanh Hải
Đảng bộ gương mẫu, đi đầu
Ngày 17/3/1930, Đảng bộ TP Hà Nội được thành lập. Từ đặc thù của mình, Hà Nội luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của T.Ư Đảng nên trong suốt gần 3 thập kỷ sau khi được thành lập, Đảng bộ TP thực hiện đường lối cách mạng của Đảng thông qua các hội nghị toàn Đảng bộ, không tổ chức đại hội. Ban Chấp hành Đảng bộ, Bí thư Thành ủy đều do cấp trên chỉ định.
Từ ngày 21 - 30/4/1959, Đảng bộ TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ tại Nhà hát Lớn. Theo chỉ thị của T.Ư, Hội nghị này có ý nghĩa như một Đại hội của Đảng bộ (Đại hội lần thứ I). Đại hội đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu. Bác đã căn cặn: "Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên CNXH, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà". Đồng chí Trần Danh Tuyên làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đại hội đã đề ra nhiều mục tiêu trong 2 năm (1959 - 1960) trong công cuộc cải tạo CNXH…
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ II được tổ chức từ ngày 25/1/1961 đến 2/2/1961 xác định nhiệm vụ của Thủ đô trong 2 năm (1961 – 1962) ra sức tiếp tục xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Lần thứ 2 được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu, Người tiếp tục căn dặn: "Đảng bộ Thủ đô và đồng bào, trước hết là công nhân Thủ đô phải gương mẫu, làm đầu tàu để đưa toàn miền Bắc giành lấy thắng lợi".
Đồng chí Hoàng Văn Hoan làm Bí thư Thành ủy (sau Đại hội, ông Hoàng Văn Hoan đã vi phạm kỷ luật Đảng, tháng 2/1961, đồng chí Nguyễn Lam được Bộ Chính trị phân công về làm Bí thư Thành ủy).
Tháng 7/1963, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ III đã xác định các giải pháp phấn đấu thực hiện một bước chuyển mới trong phát triển kinh tế, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới. Đồng chí Nguyễn Lam tiếp tục làm Bí thư Thành ủy, đến tháng 8/1965, đồng chí Nguyễn Văn Trân được T.Ư cử về làm Bí thư Thành ủy thay đồng chí Nguyễn Lam được điều lên T.Ư.
Tiếp đến, Đại hội lần thứ IV (tháng 4/1968); Đại hội lần thứ V (tháng 4/1971) được tổ chức, đồng chí Nguyễn Văn Trân tiếp tục được bầu làm Bí thư Thành ủy. Đảng bộ TP đã tập trung lãnh đạo Nhân dân Thủ đô đẩy mạnh phát triển sản xuất, chống chiến tranh phá hoại của địch, chi viện cho tiền tuyến và làm tốt công tác hậu phương quân đội. Đặc biệt, quân và dân Thủ đô đã đập tan chiến dịch tập kích chiến lược đường không của địch cuối tháng 12/1972, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi.
Đại hội lần thứ VI (tháng 4/1974) diễn ra trong năm kỷ niệm lần thứ 20 Ngày Giải phóng Thủ đô, bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, đồng chí Nguyễn Lam làm Bí thư Thành ủy.
Đại hội lần thứ VII được tổ chức hai vòng (vòng 1 vào ngày 12 - 22/11/1976 và vòng 2 vào ngày 25/5 - 2/6/1977), đồng chí Lê Văn Lương làm Bí thư Thành ủy. Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1976 – 1980 và mục tiêu chủ yếu của 2 năm 1977 – 1978 là từng bước xây dựng một cơ cấu kinh tế với tiềm năng và vị trí của Thủ đô và phát huy mạnh mẽ 3 phong trào lớn: Sản xuất và tiết kiệm; Xây dựng Thủ đô; Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới…
Trong giai đoạn 1947 - 1963, Đảng bộ tỉnh Hà Đông, tỉnh Sơn Tây đã tiến hành 4 kỳ Đại hội, trước khi hợp nhất thành Đảng bộ tỉnh Hà Tây. Từ năm 1969 đến 1974, Đảng bộ tỉnh Hà Tây đã tiến hành Đại hội lần thứ V, VI, xác định các mục tiêu đã tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế...

Tháng 2/1980, Đảng bộ TP tổ chức Đại hội lần thứ VIII; tháng 1/1982 và tháng 6/1983, Đại hội lần thứ IX đã diễn ra hai vòng, đồng chí Lê Văn Lương tiếp tục làm Bí thư Thành ủy. Trong giai đoạn này, Hà Nội đã có nhiều chuyển biến về kinh tế, văn hóa, xã hội…
Đổi mới và phát triển mạnh mẽ
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ X (tháng 10/1986) là Đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới ở Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Bí thư Thành ủy, đến tháng 10/1988 đồng chí được điều lên T.Ư, đồng chí Phạm Thế Duyệt được T.Ư điều về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đại hội đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp vừa xây dựng cơ chế chính sách đổi mới, vừa lựa chọn bước đi phù hợp để tổ chức triển khai, Đảng bộ TP đã vượt qua nhiều khó khăn, lãnh đạo TP giành kết quả khá toàn diện, kinh tế tăng trưởng rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XI (tháng 4/1991 và tháng 11/1991), đồng chí Phạm Thế Duyệt tiếp tục làm Bí thư Thành ủy. Trong giai đoạn này, Hà Nội tiếp tục tạo ra những bước chuyển rõ về cơ cấu ngành kinh tế, phát triển mạnh mẽ về đô thị.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XII (tháng 5/1996), đồng chí Lê Xuân Tùng làm Bí thư Thành ủy, đến tháng 1/2000, đồng chí được điều lên T.Ư công tác, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được T.Ư điều về giữ chức Bí thư Thành ủy. Đại hội đã xác định mục tiêu đẩy nhanh hơn nữa nhịp độ tăng trưởng kinh tế sau 10 năm đổi mới; quản lý tốt đô thị. Năm 1999, Hà Nội đã được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XIII (tháng 12/2000) được tiến hành vào thời điểm TP vừa tổ chức kỷ niệm trọng thể 990 năm Thăng Long – Hà Nội vừa đón nhận danh hiệu “Thủ đô anh hùng”… Đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy. Trong giai đoạn này, Hà Nội tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ, hoàn thành nhiều tuyến đường, khu đô thị mới hiện đại…
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XIV (tháng 12/2005) là Đại hội phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng và thành tựu đổi mới, xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững, thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy, đến tháng 6/2006, được Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Phạm Quang Nghị được phân công về làm Bí thư Thành ủy.
Trong 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 – 2006), Đảng bộ tỉnh Hà Tây đã trải qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (10/1986), lần thứ XI (3/1992), lần thứ XII (4/1996), XII (12/2000), và lần thứ XIV (12/2005). Những kết quả đạt được về phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng và an ninh là động lực quan trọng, điểm tựa vững chắc để cùng với Đảng bộ Hà Nội thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện sau khi TP Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8/2008.
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV (tháng 10/2010), là đại hội nhiệm kỳ đầu tiên sau điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô thực hiện theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII được tổ chức trong bối cảnh TP vừa tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đồng chí Phạm Quang Nghị tiếp tục làm Bí thư Thành ủy. Trong giai đoạn này, TP đã tập trung nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế, phát triển đô thị văn minh, hiện đại, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới…
Tháng 11/2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, đã đề ra các giải pháp cho giai đoạn 2015 - 2020, trong đó có 3 khâu đột phá. 5 năm qua, Đảng bộ TP đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết của T.Ư và của Thành ủy, lãnh đạo thực hiện tốt 8 chương trình công tác, tạo ra bước chuyển biến mới, toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ.