90% số trường có thể áp dụng ​Chương trình giáo dục phổ thông mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc tọa đàm mới đây về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình giáo dục phổ thông mới), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, sẽ có tới 90% số trường thích nghi và áp dụng được ngay.

Theo ông Hiển, sẽ có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình giáo dục phổ thông cho các môn học. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là những kế hoạch chung nhất của hoạt động giáo dục phổ thông từ Tiểu học tới THCS, THPT, trong đó quy định mục tiêu của từng cấp học, các môn học, các lĩnh vực giáo dục, định hướng về nội dung, về phương pháp, cách thức kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Đây chính là căn cứ để xây dựng chương trình các môn học và các hoạt động giáo dục khác. Mục tiêu đặt ra là giúp học sinh hình thành tính cách, năng lực của ngươi lao động mới, có năng lực tự học, có khả năng vận dụng kiến thức một cách tổng hợp, hiệu quả. Chương trình giáo dục phổ thông mới đề ra nội dung dạy học “tích hợp và phân hóa”, sẽ chú trọng từ Tiểu học tới THPT, kể cả trong đại học. Tuy nhiên, nội dung giáo dục sẽ phải thiết kế cho các kiến thức liên quan gần nhau, khi dạy học giáo viên dễ vận dụng, tạo điều kiện cho việc học tích hợp.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, khi xây dựng chương trình này, điều đầu tiên phải coi trọng đó là tính khả thi. “Có thể hình dung ra khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thì có khoảng 90 - 95% số trường thực hiện được ngay, còn khoảng 5 - 10% sẽ thiếu, ngân sách Nhà nước sẽ tập trung vào những trường còn thiếu này để các trường đạt được yêu cầu tối thiểu” – ông Hiển cho biết. Lần này thực hiện theo cách tiếp cận mới, nếu trước đây khi có chương trình thì đồng loạt các trường áp dụng, nhưng giờ vừa là thử nghiệm trên nền của chương trình cũ, vừa để các trường quen để khi chương trình mới áp dục sẽ thực hiện được tốt. Nội dung không nhất thiết các trường giống nhau, có thể khác nhau như hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cách thức đổi mới kiểm tra đánh giá, tự chủ nhà trường… Chương trình phổ thông mới được xây dựng dựa vào chính đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay. Đội ngũ này cũng đủ điều kiện thực hiện, tất nhiên sẽ có bồi dưỡng. Quan trọng là cách thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học để huy động kiến thức tổng hợp. “Chương trình giáo dục phổ thông không phải đưa ra là thực hiện tốt ngay, mình đặt vấn đề mới để bắt tay vào làm, quá trình đó cũng chính là quá trình xúc tiến, làm cho giáo viên, phụ huynh, ban giám hiệu quen với chương trình mới” – ông Hiển khẳng định.