Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

92,13% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 26/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ đã được gửi các vị đại biểu Quốc hội.
Về quản lý nhà nước về chứng khoán, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 9 của dự thảo Luật về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cần thiết, vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phù hợp với nguyên tắc số 5 của IOSCO. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
 Toàn cảnh phiên họp
Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, UBTVQH cho rằng, quy định này nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp tăng vốn quá nhanh, trong khi quản trị doanh nghiệp không theo kịp, bảo đảm việc huy động vốn của doanh nghiệp phải gắn với việc sử dụng vốn, đồng thời để bảo vệ các cổ đông thiểu số trong trường hợp không có đủ khả năng tài chính để thực hiện quyền mua cổ phiếu.
Liên quan đến việc chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, UBTVQH cho biết, hiện nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ tại Điều 123 và chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tại Điều 127 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, còn thời gian để tiếp tục rà soát, bổ sung, chỉnh lý bảo đảm tính chặt chẽ, có kiểm soát và đồng bộ với các quy định của Luật Chứng khoán và pháp luật có liên quan. Cả hai Luật này đều cùng có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021, vì vậy, sẽ bảo đảm đồng bộ, không có khoảng trống pháp lý. Do đó, đề nghị giữ quy định như của dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Đối với việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, dự thảo Luật quy định đối tượng tham gia đợt chào bán cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ của công ty đại chúng chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược là những người có trình độ, am hiểu, có đầy đủ kỹ năng, thông tin, có năng lực để đánh giá rủi ro cũng như chấp nhận tổn thất (nếu có) liên quan đến khoản đầu tư. Quy định như vậy chính là để bảo vệ nhà đầu tư, bảo đảm an toàn thị trường.
Về mô hình và tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (SGDCKVN), UBTVQH thấy rằng mô hình 01 SGDCK duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán là phù hợp. Đây là bước thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành, thống nhất về nền tảng công nghệ, thống nhất và chuẩn hóa tiêu chí niêm yết, chế độ báo cáo, công bố thông tin, tiêu chuẩn về thành viên và giao dịch... thay vì 2 hệ thống giao dịch và 2 hệ thống chỉ số chứng khoán thuộc 2 SGDCK như hiện nay.
Tuy nhiên, trước mắt chưa thể thực hiện ngay việc cơ cấu lại, sáp nhập 02 SGDCK hiện nay thành một SGDCK duy nhất mà theo hướng phân định lại chức năng, nhiệm vụ của SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh để tổ chức, vận hành các thị trường chứng khoán riêng biệt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các SGDCK. Theo đó, toàn bộ giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh sẽ được thực hiện tại SGDCK Hà Nội, toàn bộ giao dịch cổ phiếu sẽ được thực hiện tại SGDCK Tp. Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó sẽ tiến tới thống nhất 01 hệ thống chỉ số giao dịch.
Để bảo đảm bước đi phù hợp, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, UBTVQH xin tiếp thu chỉnh lý toàn bộ các điều của Chương IV của dự thảo Luật (trọng tâm Điều 43, Điều 44, Điều 46). Trên cơ sở nguyên tắc này, dưới SGDCK Việt Nam - Công ty mẹ sẽ tiếp tục duy trì 2 công ty con là 2 SGDCK sau khi đã được tổ chức, sắp xếp lại và có thể có công ty con khác. Khi điều kiện cho phép, Thủ tướng Chính phủ sẽ có thẩm quyền quyết định việc hình thành mô hình 01 SGDCK duy nhất như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu mà không phải sửa đổi Luật.
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật này.
Kết quả biểu quyết cho thấy: có 445/450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,13% tổng số đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Luật Chứng khoán (sửa đổi) có bố cục gồm 10 Chương, 135 Điều, quy định về các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm: các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.