Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

95% số hộ dân sẽ có điện vào năm 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi dự án cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La được hoàn thành vào cuối năm 2015, tỉnh Sơn La sẽ có thêm hơn 30.000 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nâng tỷ lệ số hộ dân có điện trên địa bàn tỉnh lên 95%.

Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La được triển khai từ năm 2012 trên địa bàn 106 xã, 11 huyện, thành phố.

Dự kiến đến cuối năm 2015 khi dự án được hoàn thành sẽ cấp điện lưới quốc gia cho hơn 30.000 hộ dân, nâng tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện trên địa bàn tỉnh lên 95%.

 
PC Sơn La đã và đang nỗ lực đưa điện về các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa.
PC Sơn La nỗ lực đưa điện về các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa.
Tính đến hết tháng 10/2014, dự án đã hoàn thành đóng điện cho 70 xã thuộc 10 huyện, số hộ được sử dụng điện tăng thêm là 18.424 hộ, góp phần vào việc đưa tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện của tỉnh Sơn La lên 83,84%.

Hiện nay, Công ty Điện lực Sơn La đang quản lý vận hành: Hơn 3.340 km đường dây trung thế; Hơn 3.393 km đường dây hạ thế; 1.447 trạm biến áp phân phối và 4 trạm biến áp trung gian; 218.032 khách hàng trên địa bàn 204 xã, phường, thị trấn của 12 huyện và thành phố.

Sau khi dự án cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La được hoàn thành, Sơn La vẫn còn khoảng 380 bản với 27.000 hộ dân chưa được sử dụng điện, tương đương với khối lượng khoảng 1.000 km đường dây trung thế, 380 trạm biến áp và 1.500 km đường dây hạ thế cần phải đầu tư.

Để tiếp tục đưa điện về các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La, trong thời gian tới, PC Sơn La sẽ tranh thủ các nguồn vốn để có cơ hội đầu tư. Đồng thời, theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đến năm 2020, Sơn La là 1 trong 48 tỉnh/thành phố được ưu tiên thực hiện.

Dự kiến, sau khi hoàn thành chương trình trên, đến năm 2020 tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Sơn La sẽ đạt khoảng 99%. Còn một số ít hộ dân, đồng bào ở rất xa và cao trên các triền núi, đường xá giao thông cực kỳ khó khăn, suất đầu tư quá lớn nên việc đưa điện lưới quốc gia là điều không tưởng.

Việc đưa điện đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới của tỉnh Sơn La là bước đột phá rất quan trọng trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng, từ đó thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, từng bước giúp đồng bào các dân tộc từ bỏ tập quán du canh du cư, ổn định đời sống, nâng cao trình độ văn hóa, ổn định an ninh nông thôn, quốc phòng, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định.