Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

9x hát ca trù

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nói đến hát ca trù, người ta thường nghĩ đến những bậc lão thành, cao niên, nhưng trong Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011, ngồi ở vị trí ca nương, kép đàn, quan viên… lại là những gương mặt của thế hệ 8x, 9x và cả những cô cậu mới hơn 10 tuổi.

 CLB Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng đã có những buổi diễn lôi cuốn hàng trăm người xem nhờ tiếng hát réo rắt và say đắm của những đào nương trẻ như Lương Hải Phương (SN 1984), Nguyễn Thị Hương (SN 1986). Hải Phương tâm sự: "Em đến với nghệ thuật ca trù như một cái "duyên". Trong lúc đăng ký học năng khiếu ở Nhà văn hóa tỉnh Hải Phòng, mọi người phát hiện ra trong giọng hát của em có âm ca trù, nên đã khuyến khích em học, dù lúc đó em không hiểu gì về ca trù. Từ ngày đó đến nay đã được 6 năm". Và khi bộ môn nghệ thuật dân tộc này chưa thể coi là nghề nuôi sống mình, hàng ngày Phương và Hương đi học nghề rồi đi làm, tối về lại cùng các nghệ nhân và các cô, các chú trong Hội văn nghệ dân gian tỉnh gõ phách, chơi đàn và nhả chữ. Thế hệ 8x, 9x hát ca trù không chỉ xuất hiện ở CLB Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng, các CLB Ca trù Cổ Đạm (Hà Tĩnh), CLB Ca trù Thăng Long (Hà Nội) cũng có quá nửa số thành viên là kép đàn còn trẻ tuổi.

Cái tên Huệ Phương, đào nương mới tròn 10 tuổi có lẽ không còn xa lạ với người yêu nghệ thuật ca trù. Từ khi lên 6 tuổi, xem mẹ (ca nương Phạm Thị Huệ) biểu diễn, Huệ Phương đã nhẩm thuộc từng điệu hát của Tỳ Bà Hành, Gửi thư, Hát thét nói… Đã 4 năm nay, Huệ Phương theo mẹ biểu diễn ca trù từ cửa đình Giảng Võ (Hà Nội) cho đến không gian cổ kính trên những địa chỉ phố cổ Hà thành (87 Mã Mây và 42 Hàng Bạc). Mặc dù, đào nương Phạm Thị Huệ không ép con theo đuổi nghề nhưng chị cũng phải thừa nhận, Phương bộc lộ năng khiếu ca trù từ khi còn rất bé. Phạm Thị Huệ cảm thấy hạnh phúc khi có thể truyền được tình yêu ca trù cho lớp trẻ, trong đó có con mình.

Khán giả trong Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011 rất xúc động trước tiếng đàn, tiếng hát của các đào nương, kép đàn nhí. Bác Thu Huệ (Giãng Võ, Hà Nội) sau khi xem biểu diễn đã tâm sự: "Họ đã truyền cho tôi cảm xúc về nghệ thuật ca trù. Nếu con tôi có năng khiếu với nhạc cụ nào tôi sẽ cho nó theo học nhạc cụ đó. Tôi không quản ngại đó là thứ nghệ thuật không thịnh hành hiện nay".

Những gương mặt ca nương nhí như Trần Thu Hà (sinh năm 2002) của CLB Ca trù Cổ Đạm, Huệ Phương CLB Ca trù Thăng Long đã đưa không gian cổ xưa hiển hiện trước mắt. Khi được hỏi tại sao lại theo hát ca trù, Hà tủm tỉm cười: "Cháu thích vì thấy hay". Tất cả các đào nương nhỏ tuổi được tiếp thu những làn điệu ca trù từ các cô, các chú, các anh chị đi trước và điều quan trọng là họ tiếp thu nó bằng cả tình yêu và tấm lòng.

"Thích", "đêm mê", "hay" và "tôi muốn hát" - là những câu trả lời của những kép đàn, ca nương, quan viên trẻ tuổi. Và cũng chính họ đã tạo nên nét mới mẻ và sức trẻ mà vẫn không làm mất đi cái cổ, cũ và xưa của loại hình di sản văn hóa thế giới tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm nay.