Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

9X say mê phục dựng trang phục cổ

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn khôi phục những nét văn hóa cổ đã bị mai một, Nguyễn Đức Lộc (Hà Nội) cùng nhóm bạn trẻ đam mê, nhiệt thành đã lựa chọn con đường nghiên cứu cổ phục truyền thống trong cung đình và dân gian.

Làm cổ phục không được phép sai
Năm 2018, Nguyễn Đức Lộc, trong bộ áo dài truyền thống lần đầu tiên xuất hiện trước báo giới tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) dịp ra mắt Công ty CP Ỷ Vân Hiên.
Thời điểm đó, các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử, văn hóa dân gian hay cả giới báo chí đều đánh giá cao ý tưởng, hoài bão của Nguyễn Đức Lộc. Nhưng cũng có không ít lời bình luận cho rằng, chàng trai 9X đang lựa chọn một con đường khó khăn, ít người dám làm, vì việc nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống đòi hỏi nhiều kiến thức, thời gian, sức lực và tiền bạc.
 Một số bộ cổ phục do Công ty Ỷ Vân Hiên thiết kế.
Năm 2019, khi các MV ca nhạc, sân khấu kịch, phim truyện xuất hiện nhiều trang phục cổ, áo dài cách tân bị chỉ trích, báo giới có dịp gặp lại chàng trai 9X trong một sự kiện ra mắt phim “Phượng Khấu”. Trong bộ phim này, diễn viên đều mặc những trang phục cổ của Việt Nam do Công ty Ỷ Vân Hiên tư vấn, thiết kế.
“Nghiên cứu về trang phục cổ, tôi phải tự đọc, tự học từ nhiều tài liệu cổ như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục; học hỏi từ các nhà nghiên cứu lịch sử, nghệ nhân các làng nghề. Tôi từng đi gặp nhiều nghệ nhân kim hoàn, nghệ nhân dệt vải để thuyết phục họ làm sản phẩm cho mình. Nhưng để các vị nghệ nhân cao tuổi chia sẻ bí quyết, làm sản phẩm rất khó vì họ có cá tính, làm cũng không phải vì tiền. Vì thế, từ nghiên cứu, thuyết phục các nghệ nhân giúp đỡ, đến khi cụ thể hóa đòi hỏi nhiều công sức, thời gian” - Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.
Chấp nhận thách thức
Nghe nhạc Trịnh, uống trà mạn, mặc cổ phục, Nguyễn Đức Lộc có những thói quen khiến người lạ lần đầu gặp không khỏi bất ngờ. Căn gác của Công ty Ỷ Vân Hiên cũng là nơi Lộc và các bạn trẻ cùng chí hướng theo đuổi đam mê phục hưng cổ phục.
Thế nhưng, ít ai biết, Lộc từng học cao đẳng truyền hình, được đào tạo chuyên ngành về quay phim nhưng sự nghiệp của chàng trai 9X đột ngột rẽ lối. “Gia đình có truyền thống may mặc nên tôi có cơ hội tiếp xúc với cổ phục từ nhỏ. Tôi thấy cổ phục là mảnh đất màu mỡ, ít người theo đuổi. Trong khi đó, lĩnh vực này ở những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đã được ứng dụng rộng rãi trong đời sống”.
Nguyễn Đức Lộc đặt mình ở vị trí khác biệt với các công ty trang phục thông thường. Ngược lại, với việc làm sản phẩm theo các xu hướng thời trang hiện đại, chàng trai 9X lựa chọn con đường bám sát các phong cách và họa tiết trang phục cổ.
Đồng hành cùng Ỷ Vân Hiên - Nguyễn Đức Lộc còn có các nhà nghiên cứu, học giả có uy tín trong vai trò cố vấn chuyên môn như: Học giả Trần Quang Đức - tác giả của công trình nghiên cứu “Ngàn năm áo mũ”; nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam Nguyễn Mạnh Đức; nhà nghiên cứu, phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc.
Nguyễn Đức Lộc chia sẻ: “Nhờ sự cố vấn của các chuyên gia, chúng tôi tìm kiếm, phối hợp làm việc với các nghệ nhân của các làng nghề sản xuất những sản phẩm truyền thống Việt như hài, quạt, gối xếp… từ Bắc tới Nam. Đồng thời sử dụng nguyên liệu của các làng nghề như La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A.
Hiện nay, một trong số những nghệ nhân đặc biệt của Ỷ Vân Hiên là bà Công Tôn Nữ Trí Huệ - chắt nội vua Minh Mạng đang sống tại TP Huế. Dựa vào trí nhớ và tay nghề, bà đã tái hiện lại những chiếc gối xếp cho công ty, phục vụ sinh hoạt hiện đại. Ngoài ra, bà còn phối hợp dạy nghề, truyền lửa cho thế hệ kế cận".
Suốt thời gian qua, Nguyễn Đức Lộc đang từng bước bóc tách những lớp lang của lịch sử để dần phục dựng và hiện thực hóa khát khao đưa cổ phục Việt trở lại, đi vào đời sống, phim ảnh. Những mong ước, ấp ủ đó đang dần trở thành hiện thực với sự chuẩn bị ra mắt của phim “Phượng Khấu” cùng hàng loạt dự án mới đang được Nguyễn Đức Lộc và bạn bè triển khai.