9X thành công với chiến lược hàng xịn giá bình dân

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Da cá sấu được cho là “kim cương” trong nhóm hàng da thuộc. Chính vì vậy những sản phẩm thời trang làm từ loại da này luôn có giá đắt đỏ và được mặc định chỉ dành cho giới thượng lưu.

Tuy nhiên, với chiến lược "bình dân hóa sản phẩm", CEO Công ty TNHH TM Konavis Nguyễn Tiến Duẩn đã phá vỡ mọi quy tắc, đưa những sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng.
Bắt đầu từ con số 0
Nguyễn Tiến Duẩn được đào tạo chuyên ngành Kinh doanh nông sản, trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Trước khi đến với ngành thời trang da cá sấu, Duẩn đã có khoảng thời gian hơn 2 năm làm tư vấn phát triển chăn nuôi cá sấu và kết nối với thị trường Trung Quốc. Trong khoảng thời gian này, anh đã nhận thấy những bất cập của ngành chăn nuôi cá sấu ở Việt Nam. Người chăn nuôi thường bị động do chăn nuôi tự phát, không đo lường được lãi lời và đầu ra của sản phẩm.
Mặc dù tất cả các bộ phận của con cá sấu từ mỡ, xương, thịt và đặc biệt là da đều có giá trị rất cao nhưng đa phần chỉ bán da ướp đá, ướp muối, hoặc chuyển nguyên con qua thị trường Trung Quốc, nên giá trị sản phẩm không cao.
 Giám đốc Công ty TNHH TM Konavis Nguyễn Tiến Duẩn. Ảnh: Phương Nga
“Trong một lần vô tình đọc được thông tin về một người nghệ sĩ của Việt Nam chi hàng tỷ đồng để mua một chiếc túi làm từ da cá sấu từ nước ngoài, tôi cảm thấy chạnh lòng, bởi những nguyên liệu này tại Việt Nam đang sẵn có, vậy thì tại sao người Việt lại không thể tự làm ra những sản phẩm tương tự mang thương hiệu Việt. Từ đó tôi quyết định tìm hiểu về ngành da cá sấu để đi vào kinh doanh, tìm đầu ra mới cho cá sấu ở Việt Nam” – Duẩn bộc bạch.
Năm 2016, Duẩn bắt tay vào mở Công ty TNHH TM Konavis chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cá sấu. Chia sẻ về những khó khăn trong ngày đầu khởi nghiệp, Duẩn kể: "Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ con số 0: Không vốn, không kinh nghiệm".
Trước đó tôi chưa từng biết đến sử dụng máy may như thế nào, chưa biết thiết kế rập một chiếc túi như thế nào. “Tôi đánh liều mượn người thân được 200 triệu đồng để mua máy móc và thuê công nhân làm với quyết tâm và tin tưởng vào thành công. Bởi cái tôi đang có là nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành rẻ và thị trường tiêu thụ tiềm năng” – Duẩn tâm sự.
Để có kiến thức cơ bản, Duẩn đã trực tiếp sang Trung Quốc tìm hiểu về kỹ thuật thuộc da cũng như công nghệ may da cá sấu. Một trở ngại nữa với Duẩn, đó là ngành da cá sấu ở Việt Nam chưa phát triển, do đó để tìm kiếm được công nhân trong lĩnh vực này giống như “mò kim đáy bể”.
Trong cái khó ló cái khôn, Duẩn đã tìm đến các công nhân có kinh nghiệm trong ngành may da trâu, da bò để thuê lại. Bởi về cơ bản thì kỹ thuật may các loại da này giống nhau. “Tuy nhiên, cũng phải mất gần 2 tháng công ty bù lỗ để công nhân làm quen với nguyên liệu mới và cho ra những sản phẩm hoàn hảo đầu tiên” – Duẩn cho hay.
Chiến lược "bình dân hóa sản phẩm"
Sau 4 năm phát triển, đến nay thương hiệu thời trang da cá sấu Konavis đã xây dựng được thương hiệu và uy tín trên thị trường. Các mặt hàng thời trang của Konavis hết sức phong phú và đa dạng như ví, túi xách, giày dép, thắt lưng, mũ, áo… Về giá cả cũng đa dạng từ vài trăm nghìn đồng, đến hàng trăm triệu đồng một sản phẩm.
Điều tạo nên thành công của Konavis chính là chiến lược “bình dân hóa sản phẩm”. Duẩn phân tích, các sản phẩm thời trang làm từ da cá sấu hiện được nhiều người biết đến và sử dụng khá phổ biến. Mặt hàng này được giới nghệ sĩ, doanh nhân ưa chuộng vì độ bền đẹp, thể hiện cá tính và nhiều ưu điểm nổi bật khác. Thế nhưng giá thành quá cao lại là một trở ngại đáng kể trong việc chinh phục khách hàng. Trong khi phân khúc khách hàng thượng lưu ở Việt Nam không nhiều.
Để phát triển ổn định được, ngoài phân khúc khách hàng thượng lưu, Duẩn còn hướng đến tầng lớp khách hàng trung lưu và bình dân. Theo đó, ngoài các sản phẩm cao cấp có giá vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, Konavis còn sản xuất các dòng hàng bình dân chỉ có giá vài trăm nghìn đồng đến trên 1 triệu đồng/sản phẩm. “Mục tiêu của tôi là đẩy mạnh về số lượng, đưa hàng da cá sấu đến gần hơn với người tiêu dùng” – Duẩn bày tỏ.
Để làm được điều này, Duẩn liên kết với các trang trại chăn nuôi thông qua việc chỉ định nguồn giống, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu đầu ra. Do là đơn vị trực tiếp sản xuất nên giá thành nguyên liệu đầu vào thấp. Bên cạnh đó, việc liên kết theo chuỗi cũng giúp Duẩn kiểm soát chất lượng da cá sấu, thông qua những tiêu chuẩn, quy cách chuồng nuôi.

Trong thị trường “vàng thau” lẫn lộn như hiện nay, để tạo niềm tin cho khách hàng, Duẩn xây dựng website bán hàng và đặc biệt chú ý đến việc giới thiệu thông tin sản phẩm. Trên website công ty, Duẩn đầu tư quay video về quá trình làm ra một sản phẩm, hay hướng dẫn phân biệt sản phẩm thật - giả. Duẩn khẳng định, trong kinh doanh chúng tôi luôn đặt mục tiêu làm sao để khách hàng không chỉ mua một lần mà sẽ quay lại mua nhiều lần. Vì thế các chế độ hậu mãi và dịch vụ chăm sóc khách hàng luôn được Konavis chú trọng.
Khách hàng sẽ được giao hàng miễn phí tận nơi, cam kết đền bù 100 triệu đồng nếu sản phẩm không đúng chất lượng. Ngoài ra, Konavis cũng mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm để khách hàng có thể đến xem trực tiếp trước khi quyết định mua.

Hiện, Konavis đang liên kết với 27 trang trại chăn nuôi cá sấu, trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng trên 20.000 con cá sấu. Trong thời gian tới công ty dự định phát triển thêm trang trại chăn nuôi gắn với du lịch trải nghiệm. Đây cũng là cách để marketting sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần