Ả Rập Saudi - UAE đạt được thỏa hiệp nhằm giảm căng thẳng về nguồn cung dầu mỏ

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ngày 14/7 đã đạt được thỏa hiệp về chính sách sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh, còn gọi là OPEC+.

Động thái này được cho là sẽ giúp OPEC+ sớm đạt thỏa thuận nới lỏng sản lượng dầu mỏ nhằm hạn chế đà leo thang của giá “vàng đen”.
Ả Rập Saudi - UAE đạt được thỏa hiệp nhằm giảm căng thẳng về nguồn cung dầu mỏ.
Giá dầu hiện đã tăng hơn 50% nhờ quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 trên diện rộng giúp vực dậy nhu cầu, cùng với việc giảm nguồn cung của OPEC+. Tuy nhiên, việc giá “vàng đen” liên tục tăng và lập đỉnh gần 3 năm đã làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu.
Nguồn tin từ OPEC+ hôm 14/7 cho biết, Ả Rập Saudi đã đồng ý nâng hạn ngạch cơ sở của UAE từ 3,168 triệu thùng/ngày lên 3,65 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4/2022. Mức hạn ngạch mới của UAE sẽ được áp dụng từ tháng 5/2022.
Theo nguồn tin trên, việc cung cấp cho UAE mức sản lượng “cơ sở” cao hơn sẽ mở đường việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC đến cuối năm 2022.
UAE hiện vẫn đang thảo luận với Ả Rập Saudi và các thành viên khác trong OPEC+ để có được các điều khoản tốt hơn, vì Abu Dhabi muốn có mức hạn ngạch 3,8 triệu thùng/ngày.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư, Bộ Năng lượng UAE cho biết vẫn chưa đạt được thỏa thuận với OPEC+ về mức sản lượng “cơ sở” và đang tiếp tục thảo luận.
OPEC+ đã thực hiện việc cắt giảm sản lượng kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày từ tháng 4/2020 nhằm hỗ trợ giá năng lượng trong bối cảnh khủng hoảng nhu cầu do đại dịch Covid-19. Mức cắt giảm này đã dần được nới lỏng và hiện chỉ vào khoảng 5,8 triệu thùng/ngày.
Nhóm OPEC+ vẫn cần phải đưa ra quyết định cuối cùng về chính sách sản lượng, sau khi các cuộc đàm phán hồi đầu tháng 7/2021 bị hủy do bất đồng giữa Ả Rập Saudi và UAE.
Bất đồng giữa Riyadh và Abu Dhabi đã bùng phát khi cả hai đều quan ngại về các chi tiết của một thỏa thuận được đề xuất, theo đó OPEC+ sẽ bơm thêm 2 triệu thùng/ngày ra thị trường nhằm kiềm chế đà leo dốc của giá dầu.
Nga cũng nhất trí sớm tăng sản lượng và là một trong những nước đứng ra làm trung gian giúp Riyadh và Abu Dhabi đạt được thỏa hiệp để OPEC+ đạt được thỏa thuận sớm nhất có thể.
OPEC+ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận liên quan đến sản lượng khai thác. Hiện vẫn chưa rõ liệu các quốc gia khác có muốn điều chỉnh hạn ngạch cơ sở của họ hay không. Liên minh OPEC+ cho hay họ sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào thời điểm thích hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần