ABBANK và kỳ vọng tăng xếp hạng tín nhiệm của Moody’s

HÀ LÂM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh việc duy trì tính thanh khoản cao trong bảng cân đối, các đánh giá khác của Moody’s tại thời điểm cuối quý I năm 2021 về thách thức và các rủi ro phải đối mặt đã và đang được Ngân hàng TMCP An bình (ABBANK) cải thiện, các chỉ số trong báo cáo tài chính nửa năm cho thấy hướng đi đúng của Ngân hàng.

Ngày 19/7/2021, Moody’s công bố đánh giá xếp hạng tình hình kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp sau 3 tháng đầu năm 2021. Theo đó, Moody’s đánh giá xếp hạng tổ chức phát hành và tiền gửi dài hạn B1 của ABBANK cao hơn 1 bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm cơ sở, nhờ khả năng hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam (Ba3 tích cực). Bên cạnh đó, Moody’s cũng đánh giá thanh khoản của ABBANK là vững mạnh.
 
Tới hết quý II/2021, ABBANK đã cải thiện các vấn đề “Khả năng sinh lời” và “Nợ có vấn đề” so với giai đoạn hết quý I/2021và kỳ vọng sẽ duy trì được tín nhiệm xếp hạng tích cực hơn trong những tháng cuối năm. “Ngân hàng có thể được nâng hạng nếu chỉ tiêu Vốn hữu hình/Tài sản có rủi ro (TCE/RWA) trên 9.3%” – Báo cáo của Moody’s nhận định.

Đối với khả năng sinh lời, kết thúc 6 tháng đầu năm, ABBANK ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 85% so với cùng kỳ 2020, đạt 1.164 tỷ đồng. Cùng với đó, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của ngân hàng đạt 2.2%, trong khi đó tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25.33%, đưa ABBANK vào top những ngân hàng có hiệu quả hoạt động tốt trong hệ thống. Tỉ lệ CAR của ABBANK tại thời điểm hết tháng 6/2021 đạt 11.97% cao hơn mức quy định là 8% và mức trung bình ngành là 10,63%.

Tăng trưởng TOI 6 tháng đầu năm 2021 của ABBANK có sự đóng góp lớn từ thu thuần từ phí và dịch vụ, đạt mức độ tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này thể hiện hiệu quả trong chiến lược tập trung phát triển doanh thu từ dịch vụ và phát triển ngân hàng số, trong đó hướng đến nhóm khách hàng là SMEs, Khách hàng cá nhân.

Trong công tác quản lý rủi ro và kiểm soát nợ xấu, ngân hàng cũng chủ động phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, với việc được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lên gần 10.000 tỷ đồng vào đầu tháng 07/2021, ABBANK đảm bảo tăng cường được nguồn lực tài chính, từ đó cải thiện đáng kể về tổng tài sản, chất lượng tài sản, mức đệm vốn tự có và khả năng sinh lời.

Ngoài ra, những điểm tích cực của ABBANK trong báo cáo đánh giá của Moody’s như tính thanh khoản cao trong bảng cân đối và triển vọng xếp hạng tín nhiệm tiền gửi và tổ chức phát hành ổn định trong vòng 12-18 tháng tới vẫn tiếp tục ABBANK được duy trì ổn định.