Trước đó, trên truyền thông, nhà sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam này cho biết, mục tiêu mà DN hướng đến là mang lại niềm hạnh phúc cho khách hàng thông qua các sản phẩm an toàn, an tâm.
Tuy nhiên, định hướng và triển khai thực hiện của Acecook Việt Nam có giống nhau hay không thì phải chờ cơ quan chức năng các bên vào cuộc xác minh và kiểm tra.
Năm 2000, sản phẩm mì Hảo Hảo ra đời, được coi là bước đột phá của Acecook trên thị trường mì ăn liền Việt Nam |
Mì ăn liền Hảo Hảo chua cay là một thương hiệu quen thuộc với hàng triệu người Việt Nam trong cả thập kỷ qua. Đây cũng là thương hiệu mì ăn liền được người Việt chọn mua nhiều nhất.
Chủ sở hữu của sản phẩm này là Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, được thành lập tại TP Hồ Chí Minh từ cuối năm 1993.
Năm 2000, Acecook Việt Nam cho ra đời sản phẩm mì Hảo Hảo. Đây được coi là bước đột phá của DN này trên thị trường mì ăn liền Việt Nam.
Tiền thân của Acecook Việt Nam là Công ty liên doanh Vifon Acecook, với 60% vốn của nhà đầu tư Nhật Bản Acecook Co., Ltd và 40% còn lại của Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Tuy nhiên đến năm 2002, Vifon thoái vốn hoàn toàn và Acecook Việt Nam trở thành doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.
Tính đến năm 2020, Acecook Việt Nam có vốn điều lệ 298 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhật Bản là Acecook Co., LTD nắm giữ 16,9 triệu cổ phần, giá trị 169 tỷ đồng, tương đương 56,64%. Cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp này cũng chỉ có duy nhất một cổ đông Việt Nam, là ông Hoàng Cao Trí, với 25,064% cổ phần.
Theo Nielsen, trước năm 2010, công ty này nắm hơn 50% thị phần mì theo giá trị, hiện chỉ còn hơn 1/3. Giai đoạn sau này, dù bị cạnh tranh quyết liệt bởi các ông lớn trong ngành thực phẩm, nhưng Acecook vẫn tăng trưởng tốt về doanh thu và có được hiệu quả hoạt động cao. Acecook hiện đang xếp thứ 3 về lợi nhuận trong số các công ty thực phẩm của Việt Nam. Năm 2020, thương hiệu này lãi sau thuế gần 1.900 tỷ đồng, tăng trưởng 14%.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, sức tiêu thụ của thị trường các sản phẩm ăn liền, nhất là mì gói được đánh giá tiếp tục ở mức cao. Theo Kantar World Panel, doanh số của thực phẩm đóng gói đã tăng 35% trong 2 tuần đầu của tháng 7 (so với cùng kỳ năm trước) do nhu cầu tiêu thụ và dự trữ thực phẩm của người dân gia tăng khi hàng quán đóng cửa. Người dân đã tích trữ thực phẩm tiện lợi như thịt chế biến, mì gói… Nhu cầu tiêu thụ của mặt hàng cũng tăng cao hơn do người dân nấu ăn ở nhà nhiều hơn.