Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 công bố ngày 22/9 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tại châu Á dựa trên thực trạng rằng tốc độ tiêm phòng chậm, số ca bệnh Covid-19 tiếp tục tăng và các biện pháp phong tỏa tiếp diễn.
Ảnh minh họa |
Theo ADB, tốc độ tiêm phòng vẫn chưa đồng đều trên toàn khu vực. Tính đến hết tháng 8, chưa tới 1/3 dân số khu vực được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ. Trong khi đó, tại Mỹ tỷ lệ này là hơn 50% và tại Liên minh châu Âu (EU) là gần 60%.
ADB cảnh báo tình trạng các chương trình tiêm phòng bị trì hoãn và sự xuất hiện cảu các biến thể mới của virus là những nguy cơ lớn nhất đe dọa triển vọng kinh tế khu vực và có thể để lại những hậu quả lâu dài về kinh tế. Đặc biệt, tổn thất về thu nhập do đại dịch Covid-19 có thể để lại những vết sẹo sâu và tác động đa chiều tới các nền kinh tế khu vực.
Dù dự báo nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng trong năm 2021 và 2022 nhưng ADB lưu ý triển vọng phục hồi vẫn rời rạc trong nửa đầu năm 2021 khi biến thể Delta siêu lây nhiễm vẫn hoành hành tại một số nước. Khoảng 2/3 các nước đang phát triển tại châu Á có chưa đến 30% dân số được tiêm phòng đầy đủ.
Những nước làm tốt hơn trong công tác kiểm soát dịch bệnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Khu vực Đông Á, với các nước có tỷ lệ tiêm phòng thuộc nhóm cao nhất khu vực và đã nhanh chóng kiểm soát các đợt bùng phát dịch bệnh, được dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 7,6% trong năm 2021, tăng nhẹ so với mức 7,4% đưa ra trong dự báo của ADB hồi tháng 4.
ADB hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á trong dự báo mới của ADB là 3,1% trong năm 2021, giảm so với mức 4,4% được đưa ra trong các dự báo trước. Trong khi đó, ADB cho rằng khu vực Thái Bình Dương sẽ suy giảm 0,6%, thay vì tăng trưởng 1,4% như dự báo trước đó.
Với kinh tế Việt Nam, ADB cho hay, dự kiến đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. Báo cáo nêu rõ, tăng trưởng GDP Việt Nam đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, được hỗ trợ phần lớn bởi mở rộng thương mại. Nhưng đợt bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 trong tháng 4 đã thắt chặt nguồn cung lao động, hạ thấp sản lượng công nghiệp và làm gián đoạn chuỗi giá trị nông nghiệp.
Tăng trưởng được dự báo ở mức 3,8% trong năm nay và 6,5% trong năm 2022, cả hai dự báo này đều thấp hơn dự báo trong báo cáo ADO (Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á) năm 2021.
Lạm phát sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022, với tỷ lệ thấp hơn các tỷ lệ dự báo trước đó. Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ xấu đi, dẫn đến tình trạng thâm hụt trong năm nay so với dự báo là sẽ thặng dư trong báo cáo ADO 2021 và sẽ trở lại thặng dư vào năm 2022, mặc dù thặng dư thấp hơn so với dự kiến trước đó.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: “Đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng”.
Về trung và dài hạn, ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc không tăng đáng kể. Tăng trưởng cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ kịp thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm và tiền mặt, cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Theo ADB, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ các rào cản hành chính đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đại dịch và hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong năm nay và năm tới.