Theo thông cáo báo chí của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thiết chế tài chính lớn nhất khu vực này đang xây dựng Chương trình Tài chính Chuỗi Cung ứng (SCFP) trị giá trên 1 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong khu vực gặp khó khăn về tài chính tiếp cận vốn với chi phí phải chăng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Philip Erquiaga, Tổng vụ trưởng phụ trách các hoạt động khu vực tư nhân của ADB, cho biết rất nhiều SME gặp khó khăn khi phải đối mặt với việc không có tiền hay không đủ tiền hoạt động trong thời gian “trễ,” thường kéo dài từ 30-180 ngày giữa thời gian vận chuyển hàng hóa cho đến khi nhận được tiền thanh toán từ khách hàng, và tình trạng này ảnh hưởng rất đáng kể đến doanh thu cũng như cơ hội thực hiện các hợp đồng khác.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
SCFP sẽ mở khóa các nguồn tài chính bị “trễ” trong chuỗi cung ứng, giúp cải thiện khả năng tiếp cận của các SME đối với nguồn vốn lưu động với chi phí phải chăng, qua đó hỗ trợ công ăn việc làm và thu nhập.
Ông Philip Erquiaga nhấn mạnh suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra đã làm trầm trọng thêm những thách thức mà các SME phải đối mặt, với việc khách hàng gây áp lực lớn hơn lên các nhà cung cấp, yêu cầu nới rộng thời hạn thanh toán, trong khi cũng gây áp lực đòi rút ngắn thời hạn thanh toán của các nhà phân phối.
SCFP sẽ cải thiện cách tiếp cận dòng tiền lưu thông cho cả nhà cung cấp lẫn nhà phân phối, giúp họ có thể mở rộng hoạt động và sử dụng nhiều người hơn.
Ngoài ra, SCFP còn có tác dụng hỗ trợ cho Chương trình tài chính Thương mại (TFP) của ADB, được đưa ra để thúc đẩy thương mại tại các nước đang phát triển nghèo nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, do SCFP giúp giảm thiểu rủi ro thương mại phi ngân hàng cho các các giao dịch nội địa và qua biên giới trong chuỗi cung ứng. Hơn nữa, nhiều SME trước đây thuộc diện không thể vay vốn được của ngân hàng, nay đã có khả năng tiếp cận nhờ SCFP.