Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ADB: Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 5,8%, cao nhất trong khu vực

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6% trong năm 2024. So với dự báo vào tháng 4 năm 2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do nhu cầu bên ngoài suy yếu.

Với dự báo 5,8%, ADB cho rằng GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn đứng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Với dự báo 5,8%, ADB cho rằng GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn đứng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ngày 27/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam. Phát biểu tại họp báo, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty đánh giá, năm 2023 có nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Cầu bên ngoài yếu, cùng với sự phục hồi chậm của kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, đà tăng của USD tạo ra thách thức lớn hơn nữa với kinh tế Việt Nam.

Đại diện ADB đề cập đến sự suy giảm đáng kể của kinh tế toàn cầu và lãi suất duy trì ở mức cao ở Mỹ, châu Âu, các đối tác thương mại chính của Việt Nam.

ADB cho rằng nhu cầu thế giới suy yếu sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng thương mại của Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng 8 năm 2023 cho thấy tín hiệu phục hồi khi tăng 7,7% so với tháng trước.

Tăng trưởng xuất, nhập khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ quay trở lại mức khiêm tốn 5% trong năm nay và năm sau, với sự phục hồi của cầu thế giới. Hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ giúp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay, ước tính khoảng 3% GDP . Khi hoạt động sản xuất được phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng lên, cán cân tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm còn 2% GDP vào năm 2024.

"Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại” - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam đánh giá, đồng thời cho rằng tiêu dùng nội địa tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có dấu hiệu phục hồi bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, với vốn FDI cam kết tính tới tháng 8 năm 2023 là 18,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giải ngân vốn FDI tăng nhẹ ở mức 1,3%, đạt 13,1 tỷ USD.

Các lĩnh vực khác được dự báo sẽ có phục hồi tốt. Dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan. Trong tháng 8, doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, giúp doanh số của tám tháng đầu năm 2023 tăng 10% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng và dự báo lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2023.

Mặc dù dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam là 5,8%, có sự điều chỉnh giảm so với hồi tháng 4/2023, nhưng ADB cho rằng, mức tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn đứng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Sang đến năm 2024, với dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 6%, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Philippines (6,2%). Dự báo lạm phát cũng giảm xuống, có thể ở mức 3,8% năm 2023 và 4% năm 2024.

Riêng về tỷ giá, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Nguyễn Bá Hùng đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành linh hoạt, nới rộng biên độ, các biến động tỷ giá nằm trong biên độ đặt ra từ trước. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước chưa gặp khó khăn về chính sách với tỷ giá. Trong bối cảnh người dân muốn giữ tiền USD thay vì VND do lãi suất VND thấp, khiến cầu ngoại tệ tăng lên. Tuy nhiên hoạt động nhập khẩu chưa cải thiện nhiều nên chưa gây ra biến động về cầu quá lớn, dù vậy tỷ giá cần một thời gian ngắn nữa để ổn định trở lại.

ADB cho rằng, sự phối hợp về chính sách có thể giúp kinh tế phục hồi một cách hiệu quả, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu. Trong ngắn hạn, cần thực hiện chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng. “Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả”- ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.