AEC và những tác động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cộng đồng AEC đã chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2016. Với việc hình thành một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hóa; dịch vụ; đầu tư; vốn; lao động có tay nghề, AEC sẽ tác động chủ yếu trên ba lĩnh vực cơ bản.

Đối với thương mại, tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, hiện thương mại nội khối AEC chỉ chiếm khoảng 24% tổng kim ngạch của khối nói chung, kém xa mức 60% của Liên minh châu Âu (EU) và 40% của Cộng đồng Kinh tế Bắc Mỹ. Đối với Việt Nam, xuất - nhập khẩu với ASEAN chỉ chiếm 10% đối với tổng kim ngạch xuất khẩu và 20% nhập khẩu. Thêm vào đó, nhiều nước trong khối cũng là thành viên của WTO, nên việc mở rộng thương mại nhờ AEC cũng không tạo ra nhiều khác biệt, hay đột phá lớn trong việc khuyến khích thương mại nội khối so với bối cảnh có WTO. Vì thế, trong ngắn hạn, tác động từ AEC đối với thương mại của Việt Nam là không đáng kể.
AEC và những tác động - Ảnh 1
Đối với đầu tư, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cho thấy, đầu tư nội khối chiếm tỷ trọng rất thấp trong dòng đầu tư vốn FDI vào Việt Nam. Trong đó, đầu tư của Singapore chủ yếu là vào lĩnh vực khách sạn, du lịch, khu vui chơi sinh thái, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Vốn FDI từ Malaysia chủ yếu tập trung các liên doanh với các công ty sở hữu nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bất động sản, giáo dục và dầu khí. Thái Lan chú trọng lĩnh vực bán lẻ và một phần đi vào sản xuất đồ nhựa. Như vậy có thể thấy, dòng vốn đầu tư FDI từ ASEAN vào Việt Nam không nhằm vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, mà chủ yếu là lĩnh vực bất động sản, dịch vụ. Ngược lại, dòng vốn FDI của Việt Nam vào khối rất thấp. Nói cách khác, sự đột phá tạo ra sự mở rộng dòng vốn FDI trong nội bộ ASEAN nhờ thành lập AEC là không lớn. Chính vì thế, việc hưởng lợi từ đầu tư FDI vào khối đối với Việt Nam không đáng kể, trong khi dòng FDI từ trong nội khối vào Việt Nam có thể tăng lên đáng kể.

Đối với di chuyển lao động, theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, trong khối ASEAN, Singapore, Malaysia và Thái Lan là những nước nhận nhiều lao động nước ngoài nhất (nhận thuần), trong khi các nước, như Việt Nam, Phillippines, Campuchia và Lào - những nước xuất khẩu thuần lao động. Singapore, Malaysia và Thái Lan được cho là đang bước vào giai đoạn phát triển cao hơn, nhu cầu về lao động kỹ năng cao đang tăng trong khi nguồn cung lại chưa được đáp ứng. Đây là một yếu tố tốt đối với lao động ở các nước phát triển kém hơn, có thu nhập kém hơn. Tuy nhiên, việc thiếu đào tạo kỹ năng; thủ tục visa trong khối ASEAN chưa thống nhất; các khía cạnh chính trị, tôn giáo, văn hóa... vẫn sẽ là trở ngại cho sự gia tăng di cư lao động trên thực tế.