AFF tìm lại sức mạnh từ khán đài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, những người làm bóng đá Việt đứng ngồi không yên bởi cả hai trận đấ...

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, những người làm bóng đá Việt đứng ngồi không yên bởi cả hai trận đấu gần nhất của đội tuyển quốc gia, các khán đài Sân vận động quốc gia Mỹ Đình rất trống vắng. Điều này có thể khiến thầy trò ông Miura mất đi sức mạnh từ khán đài, nhưng quan trọng hơn, nó có thể khiến VFF mất một nguồn thu vô cùng quan trọng.

Ông Miura sốt ruột

Mới đây, HLV trưởng Toshiya Miura đã công khai kêu gọi người hâm mộ sát cánh cùng đội tuyển quốc gia. Nhà cầm quân này cho rằng, sự ủng hộ của người hâm mộ sẽ giúp các học trò tự tin thi đấu và giành kết quả cao.Sở dĩ ông Miura, một người rất kiệm lời phải lên tiếng kêu gọi cổ động viên quan tâm đến đội bóng của mình là vì suốt một chặng đường dài, các trận đấu của đội tuyển quốc gia luôn thưa vắng người xem. Trong khi đó, các trận đấu của U19 Việt Nam luôn tạo ra cơn sốt về vé và mang đến khoản tiền tỷ cho nhà tổ chức.

 
Một pha bóng trong trận đấu giao hữu trước thềm AFF Cup 2014 giữa Việt Nam gặp Malaysia.
Một pha bóng trong trận đấu giao hữu trước thềm AFF Cup 2014 giữa Việt Nam gặp Malaysia.
Ai cũng biết, sân vận động như là một sân khấu lớn. Ở đó, các cầu thủ rất cần sự cổ vũ của khán giả mới có được sự thăng hoa trong thi đấu. Hơn thế nữa, áp lực từ khán giả sẽ khiến đối thủ của đội tuyển quốc gia căng cứng về tâm lý. Nhờ đó mà thành tích của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup sắp tới sẽ được đảm bảo.

Bên cạnh yếu tố chuyên môn, điều khiến ông Miura cảm thấy sốt ruột còn bởi nếu không có khán giả, những người trả lương cho nhà cầm quân này sẽ không vui. Đơn giản vì, tổ chức AFF Cup đơn thuần là một sự kiện kinh doanh bóng đá. VFF muốn thông qua sự kiện này tạo ra nguồn thu từ bán vé để đầu tư cho các sự kiện khác. Thế nên, nếu những trận đấu ở AFF Cup không có sức hút với người hâm mộ thì coi như thương vụ được kỳ vọng sẽ bị phá sản. Khi ấy, không những không kiếm được nguồn lợi, nhà tổ chức còn đối diện với gánh nặng về chi phí tổ chức vốn sẽ rất lớn.

Trận giao hữu, cứu AFF Cup?

Mấy ngày qua, người ta thấy các đoạn quảng cáo về trận đấu liên tục phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó có thể là một cách của nhà tổ chức nhằm khuấy động bầu không khí bóng đá vốn đã bị bão hòa sau những sự kiện đình đám của U19 Việt Nam. Thậm chí, ông Miura vốn không muốn học trò tiếp xúc với giới truyền thông cũng được lệnh cho phép một số tuyển thủ tham gia quay quảng cáo cho giải đấu.

Bên cạnh đó, tín hiệu lạc quan đã được phát đi sau chiến thắng của đội tuyển quốc gia trước Malaysia trong trận giao hữu cuối tuần qua. Dù rằng, đây chỉ là cơ hội để hai đội bóng thử nghiệm đội hình nhưng với bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại, chiến thắng này có giá trị bạc tỷ. Bởi lẽ, sau thất bại trước Palestine, bầu không khí bóng đá vốn đã rất trầm lắng thời gian gần đây càng thêm hiu hắt vì người ta không mấy tin vào khả năng thành công của thầy trò ông Miura. Vậy nên, khi đánh bại được đối thủ mạnh, niềm tin dành cho đội tuyển quốc gia sẽ được khơi dậy. Đó cũng là điều mà các nhà tổ chức sự kiện mong muốn bởi nó sẽ giành chiến thắng trong thương vụ vốn được dự đoán là rất khó khăn.

Ban Tổ chức AFF muốn bán được nhiều vé, thu hút đông đảo khán giả đến sân, bởi khi ấy, họ sẽ không bị lỗ vốn. Nhưng, có những thứ còn quan trọng hơn khoản thu từ bán vé, đó là thương hiệu của đội tuyển, của nền bóng đá. Giờ là giai đoạn VFF cần phải chứng minh với các đối tác vốn đã mất niềm tin về bóng đá Việt Nam sau thời gian dài thất bại rằng tài trợ cho đội tuyển quốc gia sẽ có nhiều ích lợi về mặt thương quyền. Mà trong bóng đá, nguồn thu từ tài trợ có nghĩa quyết định với hoạt động của VFF.