Afghanistan đối mặt nhiều thử thách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 3 tháng lâm vào thế bế tắc chính trị, kéo theo nguy cơ bất ổn đe dọa tình hình an ninh khu vực, cuối cùng ứng cử viên Tổng thống Afghanistan Abdullah Abdullah và đối thủ Ashraf Ghani đã ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực mang tính lịch sử.

Theo đó, ông Ashraf Ghani sẽ trở thành Tổng thống Afghanistan, trong khi ông Abdullah Abdullah sẽ giữ chức vụ Thủ tướng.

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại Afghanistan ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Liên Hợp quốc (LHQ). Ông Ján Kubiš, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 21/9 cho biết, LHQ coi đây là bước đi quan trọng hướng tới việc củng cố hòa bình, trật tự và an ninh tại quốc gia Nam Á này. Đồng thời cam kết LHQ sẽ ủng hộ mọi nỗ lực của chính phủ mới ở Afghanistan trong việc ổn định tình hình đất nước. Trong khi đó, đại diện Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố đầy lạc quan rằng Washington và Kabul sẽ nhanh chóng ký kết Hiệp ước an ninh song phương (BSA), vốn bị trì hoãn từ cuối năm 2013 và từng khiến quan hệ hai nước dậy sóng. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lập tức thực hiện cuộc điện đàm với hai nhà lãnh đạo mới của Afghanistan với cam kết tiếp tục hỗ trợ chính quyền Kabul.

 
Ông Ashraf Ghani sẽ trở thành Tổng thống Afghanistan. (Ảnh: Internet)
Ông Ashraf Ghani sẽ trở thành Tổng thống Afghanistan. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại dự báo về một tương lai đầy bất trắc đang chờ đợi Chính phủ mới. Trên thực tế, khi các nhà đầu tư đang lần lượt rời bỏ Afghanistan, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao lên mức kỷ lục, Chính phủ mới sẽ phải đương đầu với một cuộc chiến cam go nhằm khôi phục kinh tế và một cuộc chiến khốc liệt với phiến quân Taliban. Đó là chưa kể đến những nguy cơ tiềm tàng nảy sinh trong quá trình chia sẻ quyền lực giữa Tổng thống và Thủ tướng vốn có nhiều khác biệt về quan điểm, tư duy chính trị và điều hành đất nước.

Trong một bước đi đầu tiên nhằm đối mặt với tương lai đầy thử thách, phát ngôn viên của Tổng thống đắc cử Ashraf Ghani cho biết, Chính phủ mới sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán và ký kết BSA. Nếu được ký kết, BSA sẽ cho phép 12.000 binh lính nước ngoài, trong đó có khoảng 8.000 lính Mỹ, tiếp tục hiện diện tại Afghanistan sau năm 2014 để đảm nhiệm vai trò cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ cho các lực lượng an ninh, quân đội Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như ngăn chặn Taliban trở lại nắm quyền.

Chưa rõ Mỹ và các tổ chức quốc tế sẽ thực hiện cam kết hỗ trợ chính quyền Afghanistan đến đâu, dưới hình thức nào nhưng thỏa thuận mang tính lịch sử này dù sao cũng đã tạo một bước ngoặt mới cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá suốt nhiều năm qua. Việc Afghanistan có thể thay đổi vận mệnh của mình hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực hòa hợp dân tộc, ổn định tăng trưởng kinh tế cũng như bản lĩnh của các thành viên trong chính phủ mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần