Kết thúc năm 2018, Agribank có tổng tài sản đạt gần 1 triệu 300.000 tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt hơn 1 triệu 200.000 tỷ đồng; dư nợ đạt gần 1 triệu 100.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay.
Để có được những con số ấn tượng này đó là đóng góp từ các hoạt động thẻ, kinh ngoại hối, ngân hàng điện tử, ủy thác đại lý… tăng trưởng mạnh mẽ và góp phần mở rộng tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi trong tổng thu nhập hoạt động.
Cụ thể: Tính đến 31/12/2018, doanh thu dịch vụ toàn hệ thống đạt 5.378 tỷ đồng, tăng +21,1% (+935,7 tỷ đồng) so với năm 2017, hoàn thành 103,4% kế hoạch năm 2018; có 8/9 nhóm dịch vụ tăng trưởng so với năm 2017, trong đó nhóm dịch vụ thẻ, ngân quỹ, thu ròng kinh doanh ngoại hối, ủy thác đại lý tăng trưởng mạnh lần lượt là (56%, 26%, 21%). Nhóm thanh toán trong nước tiếp tục giữ tỷ trọng lớn nhất (35%), nhóm sản phẩm dịch vụ (SPDV) mới, hiện đại (thẻ, E-banking) có xu hướng tăng trong tổng thu dịch vụ.
Những con số biết nói
Nhiều năm trở lại đây, người dân đã tiếp cận tốt hơn tới dịch vụ ngân hàng. Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trung bình giảm dần qua các năm, về gần 11% vào cuối quý 4 năm 2018 và mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2020, con số này dưới 10%.
Theo đó, các ngân hàng Việt Nam đã có những bước chuyển sang ngân hàng bán lẻ mạnh mẽ hơn. Đây cũng là bước đi phù hợp với xu hướng phát triển và chủ trương của nhà nước nhằm giảm thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt các tổ chức Fintech cũng đòi hỏi các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cần chú trọng đầu tư và hợp tác phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại.
Nắm bắt được xu hướng này, Agribank đã đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh thẻ và đã đạt được kết quả khả quan với tăng trưởng 56% so với năm 2017, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2018 (đạt 125%). Dịch vụ Thẻ của Agribank tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, phát triển ổn định cả về quy mô, số lượng và chất lượng dịch vụ, giữ vững vị trí TOP 3 ngân hàng dẫn đầu thị trường.
Đến 31/12/2018, tổng số thẻ phát hành lũy kế đạt trên 24,2 triệu tăng 13% (trong đó số thẻ còn hiệu lực đạt trên 11,5 triệu), chiếm thị phần 16%. Nguồn tiền gửi không kỳ hạn qua thẻ đạt 32,8 nghìn tỷ; Doanh số thanh toán và doanh số sử dụng thẻ lần lượt đạt trên 502 và 403 nghìn tỷ; Số lượng ATM đạt 2.879 máy (chiếm 15,4% thị phần); EDC/POS đạt 21.320 thiết bị (chiếm 11%).
Cùng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2018 là nhóm dịch vụ ngân quỹ và quản lý tiền tệ. Theo đó, thu từ dịch vụ ngân quỹ đến 31/12/2018 đạt 210 tỷ đồng, tăng trưởng +26% so với năm 2017, đạt 115% kế hoạch năm 2018, trong đó thu từ dịch vụ ngân quỹ đạt 209 tỷ đồng, thu từ dịch vụ bảo quản tài sản đạt 0,8 tỷ đồng. Thu từ dịch vụ ủy thác và đại lý chủ yếu tập trung từ dịch vụ liên kết Ngân hàng bảo hiểm đến 31/12/2018 đạt 254 tỷ đồng, tăng trưởng +21% so với năm 2017, đạt 101% kế hoạch năm 2018.
Hiện có 166 chi nhánh Agribank trên toàn quốc ký hợp đồng đại lý với Công ty Cổ phần bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (ABIC). Kết quả doanh thu đạt 1.169,4 tỷ đồng, tăng +14,4% so với năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo an tín dụng đạt 1.007,8 tỷ đồng, tăng +14,1%. Doanh thu hoa hồng bảo hiểm của Agribank từ ABIC năm 2018 đạt 239,6 tỷ đồng, tăng +11,6% so với năm 2017; Phí dịch vụ thu hộ phí bảo hiểm với Prudential đạt 3,8 tỷ đồng, doanh số thu hộ phí bảo hiểm đạt 7.666 tỷ đồng, doanh số thu hộ phí bảo hiểm cho Dai-ichi Life đạt 936 tỷ đồng, phí hoa hồng đạt 756 triệu đồng. Doanh số thu hộ phí bảo hiểm cho Chubb Việt Nam đạt 22,9 tỷ đồng.
Đặc biệt, thu từ dịch vụ E-Banking của Agribank đến 31/12/2018 đạt 390 tỷ đồng, tăng trưởng +12% so với năm 2017. Số khách hàng sử dụng đạt khoảng 7,35 triệu khách hàng. Tỷ lệ khách hàng có tài khoản thanh toán sử dụng dịch vụ mobile banking đạt 65% (năm 2017 đạt 56,7%).
Thu phí các dịch vụ mobile banking cụ thể: SMS biến động số dư tài khoản TGTT đạt 211 tỷ đồng; SMS nhắc nợ tiền vay đạt 34 tỷ đồng (giảm 41 tỷ đồng so năm 2017); Apaybill đạt 1,4 tỷ đồng, Vntopup đạt 20,5 tỷ đồng, E-mobile banking đạt 58,8 tỷ đồng, Mplus đạt 0,21 tỷ đồng, nhờ thu tự động đạt 0,23 tỷ đồng.
“Đặc biệt, năm 2018 Agribank đã phát triển nhiều dịch vụ e-banking mới góp phần đa dạng SPDV Agribank, tăng tiện ích dịch vụ tài khoản thanh toán, phát triển các kênh phân phối hiện đại, làm tiền đề phát triển, tăng thu phí dịch vụ trong năm 2019 và giai đoạn tiếp theo”, ông Nguyễn Hải Long - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết.
Những giải pháp tăng thu từ sản phẩm dịch vụ (SPDV)
Để thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2019, Agribank phấn đấu tăng trưởng doanh thu phí dịch vụ năm 2019 tăng từ 15 - 17% so với năm 2018. Trong đó: Thanh toán trong nước tăng từ 12 - 13,5%; dịch vụ thẻ tăng từ 22- 25%; thanh toán quốc tế tăng từ 13 - 15%; dịch vụ Kiều hối tăng từ 2 - 5%; thu ròng kinh doanh ngoại hối (KDNH) tăng từ 19 - 21,5%; dịch vụ E-Mobi Banking tăng từ 22 - 25%; dịch vụ ủy thác đại lý Bancassurance tăng từ 20 - 21%; dịch vụ Ngân quỹ tăng từ 10 - 12%; dịch vụ khác tăng từ 1 - 1,6%.
Trên cơ sở phát huy lợi thế về mạng lưới, đa dạng hóa, cung cấp sản phẩm dịch vụ (SPDV) ngân hàng bán lẻ với chất lượng cao dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng nhằm tăng thu dịch vụ, phấn đấu nâng cao tỷ trọng thu dịch vụ trong cơ cấu thu nhập, với một số giải pháp trọng tâm trong năm 2019 như:
Thứ nhất: Tích cực phát triển các SPDV mới, các giải pháp thanh toán hiện đại. Nghiên cứu, triển khai các SPDV, tiện ích hiện đại phù hợp với xu thế của thị trường và cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi ngân hàng số để nghiên cứu triển khai các dịch vụ ngân hàng thông minh;
Thứ hai: Chú trọng phát triển và mở rộng tiện ích SPDV cung ứng trên kênh phân phối hiện đại, tích hợp ứng dụng thanh toán hiện đại và nâng cao tính bảo mật;
Thứ ba: Hoàn thiện các SPDV hiện có, tạo sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng dịch vụ ngân hàng, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và NHNN về thanh toán không dùng tiền mặt. Kết hợp chặt chẽ giữa cấp tín dụng và cung ứng các SPDV ngân hàng theo chuỗi đối với nhóm khách hàng tiềm năng, hiệu quả. Xây dựng các sản phẩm, gói sản phẩm đặc thù đối với vùng/khu vực, gói sản phẩm dành cho tập đoàn, tổng công ty, hoặc dành cho nhân viên/khách hàng của tập đoàn, tổng công ty là đối tác của Agribank;
Thứ tư: Mở rộng cơ sở khách hàng có tài khoản thanh toán (TKTT) tại Agribank, phát triển các giao dịch thanh toán điện tử. Tập trung phát triển khách hàng mở TKTT mới.
Thứ năm: Nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện hoạt động cung cấp dịch vụ trên kênh truyền thống, chuẩn hóa các dịch vụ trên kênh hiện đại, nâng tỷ lệ giao dịch trực tuyến để giảm tải giao dịch tại quầy.
Thứ sáu: Triển khai các chương trình marketing, quảng bá SPDV có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút khách hàng sử dụng SPDV của Agribank đồng thời trở thành công cụ hữu hiệu khuếch chương, quảng bá SPDV và thương hiệu Agribank.