70 năm giải phóng Thủ đô

Agribank giảm gần 15% lợi nhuận để trợ lực nền kinh tế vượt qua đại dịch

Trung Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, Agribank đã xây dựng các kịch bản kinh doanh ứng phó với diễn biến dịch bệnh Covid-19, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh thông qua các biện pháp cơ cấu lại dự nợ, miễn giảm lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và miễn giảm phí dịch vụ thanh toán.

Sẵn sàng cho kịch bản này, Agribank đã xây dựng kế hoạch lợi nhuận 2020 ở mức 12.500 tỷ đồng, giảm gần 15%  so với năm 2019.

Chung tay cùng khách hàng vượt qua đại dịch

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện “mục tiêu kép”, kinh tế - chính trị Việt Nam vẫn được giữ ổn định và phát triển. Tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,91%, tuy ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại nhưng là nền kinh tế thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới với nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ trong đại dịch. Kết quả trên có sự đóng góp quan trọng, trực tiếp của hệ thống Ngân hàng Việt Nam, trong đó có Agribank.

 Ảnh minh họa

Năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN tại Thông tư 01/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank đã 7 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, 9 lần giảm phí dịch vụ; triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 2,5% so với trước khi có dịch bệnh Covid-19, bão lũ trên 38.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Agribank đã cơ cấu lại nợ trên 33.000 tỷ đồng với trên 14.000 khách hàng; Miễn, giảm lãi trên 5.000 tỷ đồng với  trên 1.400 khách hàng; Thực hiện cho vay mới đối với các khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 doanh số gần 120.000 tỷ đồng với trên 20.000 khách hàng, trong đó cho vay theo chương trình ưu đãi lãi suất đạt hơn 74.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, Agribank vẫn sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và 14 triệu hộ nông dân Việt Nam vượt qua khó khăn, đón thời cơ phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19; tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, chủ lực trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2020, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn khó lường, Agribank càng thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng ngăn chặn, đẩy lùi dịch, khắc phục tổn thất sau bão lũ, sớm đưa nhịp sống trở lại bình thường và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Agribank thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại do bão lũ khu vực miền Trung và Tây Nguyên như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ 28 tỷ đồng; Miễn, giảm lãi 9 tỷ đồng; Hạ lãi suất đối với dư nợ hiện hữu 81 tỷ đồng; Cho vay mới để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh với doanh số 1.037 tỷ đồng và các biện pháp hỗ trợ khác 11 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, ngay từ những ngày đầu hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, toàn hệ thống Agribank đã ủng hộ gần 20 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và gần 30 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị bão lũ các tỉnh miền Trung cùng nhiều giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi,... nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục thiệt hại bão lũ. 

Bên cạnh đó, Agribank đã liên tục nâng cấp và hoàn thiện, gia tăng tiện ích và tăng cường các giải pháp ngân hàng trên kênh điện tử; cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tiếp các khoản thuế, phí/lệ phí thủ tục hành chính, nộp phát vi phạm hành chính,... Hoàn thành xây dựng hệ thống ARS (chuyển tiền kiều hối) được đánh giá là phần mềm thuận tiện nhất trong hệ thống các NHTM.

Agribank đã và đang quyết liệt triển khai công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ , hoạt động của Agribank tại hơn 2.200 chi nhánh và phòng giao dịch trong năm qua được liên tục, không bị gián đoạn. Đến nay Agribank không có cán bộ, khách hàng nào bị nhiễm Covid-19, đảm bảo đáp ứng đủ vốn và các dịch vụ cho khách hàng, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020, kế hoạch tài chính và các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, hoàn thành các mục tiêu của phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020..

Đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ dành cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Lợi nhuận đạt 12.869 tỷ đồng, vượt 369 tỷ đồng (xấp xỉ 3%) so với kế hoạch đề ra.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng năm 2021

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) ngày 26/1/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 lên 5,5%, viện dẫn sự lạc quan rằng vaccine ngừa Covid-19 sẽ giúp kiểm soát đại dịch và khôi phục hoạt động kinh tế, bên cạnh các gói kích thích ở các nền kinh tế lớn. 

 

Còn tại buổi họp báo “Thông tin các kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2020 và triển khai các nhiệm vụ của Ngành năm 2021”, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2021, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng. Hiện NHNN đang trình Thủ tướng Chính phủ nội dung sửa đổi Thông tư 01/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi dựa vào nguồn lực của các TCTD. Mới đây NHNN cũng đã yêu cầu các TCTD kéo dài thời gian giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 30/6/2021. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các nhà băng sẽ phải chia sẻ với nền kinh tế và hoạt động phải tiết giảm chi phí tối đa để bù đắp cho việc giảm các mức lãi suất cho vay, giảm các loại phí giao dịch và gia tăng trích lập dự phòng. 

Toàn hệ thống Agribank triển khai nghiêm túc các giải pháp hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Đồng thời, chủ động các giải pháp tiếp tục ứng phó với dịch bệnh, nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin chính thức về diễn biến mới của dịch Covid-19 và chỉ đạo của các cấp, các ngành, các địa phương để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch; áp dụng các biện pháp ứng phó, bảo đảm hoạt động an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn trong mọi trường hợp. Về hoạt động tín dụng, Agribank tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. 

Tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế, giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và duy trì tính cạnh tranh trong kỷ nguyên kinh tế số. Phát triển đa dạng SPDV hiện đại, nâng cao chất lượng SPDV trên nền tảng công nghệ số theo hướng lấy khách hàng là trung tâm gắn với mục tiêu ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ.