Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Agribank với các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Minh Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) cam kết luôn đồng hành, chia sẻ và đóng góp nguồn lực nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho nền kinh tế.

Vẫn có những cơ hội

Do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2020 của nước ta đạt 3,82%, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 10 năm 2011 - 2020 với sự sụt giảm tăng trưởng ở cả 3 khu vực. Cũng trong quý I/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

 Ông Phạm Hoàng Đức - Thành viên phụ trách Hội đồng thành viên Agribank phát biểu tại cuộc họp bàn về giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Khẳng định tăng trưởng 6,8% cả năm như đề ra là mục tiêu rất khó khăn, song Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), TS Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch Covid-19 tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, tác động của suy giảm thương mại và tăng trưởng kinh tế thế giới, với độ mở cao của nền kinh tế, Tổng cục đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng với dự kiến nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý II/2020, hoặc kéo dài sang quý III năm 2020 thì tăng trưởng GDP cả năm đều đạt trên 5%.

"Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế quý I năm nay, chỉ có một số ngành thuộc khu vực dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định như: Tài chính ngân hàng có tốc độ tăng 7,2%, thông tin truyền thông đạt 7,78%, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 9,97%. Đây là những mảng sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế quý I năm nay", ông Lâm đánh giá.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quý I hoạt động ngân hàng vẫn đảm bảo thông suốt, tình hình thanh khoản của thị trường, tỷ giá diễn biến khá ổn định mặc dù thị trường quốc tế có rất nhiều biến động, nhưng NHNN đã chủ động điều hành theo đúng kịch bản và phương án đã đề ra, biến tỷ giá khá ổn định và thanh khoản thị trường ngoại tệ rất dồi dào, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được cung ứng đầy đủ; NHNN chưa phải sử dụng dự trữ ngoại hối để bình ổn và can thiệp thị trường.

Đối với hoạt động tín dụng, trong tháng 3 đã có mức tăng dư nợ tín dụng khá tốt, chứng tỏ nền kinh tế có bước tiếp cận tín dụng tốt hơn và là diễn biến có tính tích cực hơn so với tháng 1, 2 trong hoạt động tín dụng ngân hàng; Việc thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai phòng chống dịch Covid-19, NHNN đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai mạnh mẽ chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ.

Đây là biện pháp quan trọng nhất để tạo dòng tiền và thanh khoản cho khách hàng vay vốn (kể cả doanh nghiệp và cá nhân vay vốn đến kỳ hạn trả nợ phải trả nợ cả gốc và lãi chưa phải thanh toán). Đây cũng là nội dung quan trọng của Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN và vừa qua đã được các NHTM đã triển khai thực hiện rất trách nhiệm và quyết liệt theo yêu cầu của NHNN.

 Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo hội nghị

Hỗ trợ kịp thời hơn, mạnh mẽ hơn

Tại cuộc họp với NHNN chiều 31/3, nhiều ngân hàng lớn như: Vietcombank, BIDV, VietinBank, AgriBank... đã cam kết giảm sâu lãi suất cho vay từ 2-2,5%/năm, đặc biệt đối với doanh nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ông Phạm Hoàng Đức - Thành viên phụ trách Hội đồng thành viên Agribank khẳng định quyết tâm cùng Chính phủ, NHNN triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chung tay vượt qua khó khăn do dịch bệnh kéo dài, Agribank cam kết dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Ngoài ra, khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.

Trước đó, Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh chủ động tổ chức rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu… để kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; miễn, giảm phí giao dịch ngân hàng điện tử; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay mới nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Đánh giá cao về động thái cắt giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại đã dự kiến đưa ra những gói sản phẩm, chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp... cần công bố, triển khai thực hiện ngay. Toàn ngành ngân hàng cần có sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Thực hiện chỉ đạo kết luận của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Agribank cam kết luôn đồng hành, chia sẻ và đóng góp nguồn lực nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước; đồng thời, chỉ đạo ngay các chi nhánh trong toàn hệ thống tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là để khôi phục và duy trì sản xuất đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp để hỗ trợ tích cực hơn với các đối tượng, ngành kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng.